PGS.TS Trần Đắc Phu: BN 243 mới nhiễm Covid-19
PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế). |
Trưa 8/4, trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho hay vừa qua có những trường hợp chưa tìm được nguồn lây như ca bệnh 237 người Thụy Điển, bệnh nhân 243 ở Mê Linh, Hà Nội và ca bệnh 251 mới được phát hiện tại Hà Nam.
“Điều đó chứng tỏ đã có sự lây lan ra cộng đồng nhưng chưa lớn”, ông Phu nhận định.
Tuy nhiên, trước ý kiến cho rằng BN 243 lây từ BV Bạch Mai sau 23 ngày đến viện này, ông Phu cho rằng “đây là trường hợp mới nhiễm”.
Ông Phu phân tích, BN 243 vào Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3. Tới ngày 4/4 lấy mẫu và ngày 5/4 có kết quả xác định dương tính với SARS-CoV-2.
"Phải xét nghiệm kháng thể xem người này nhiễm lâu chưa hay là mới nhiễm" – PGS.TS Trần Đắc Phu nói. Thực tế, trong kết quả xét nghiệm kháng thể của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương không phát hiện kháng thể trong cơ thể bệnh nhân. Vì thế, ông Phu nói “chúng tôi nghĩ rằng, đây là trường hợp mới nhiễm".
Cũng theo vị chuyên gia này, trong quá trình điều tra dịch tễ, bệnh nhân này tiếp xúc nhiều người ở nhiều nơi, nhiều vị trí, kể cả những nơi có nguy cơ cao ở những bệnh viện khác chẳng hạn.
"Không thể khẳng định bệnh nhân 243 lây COVID-19 từ Bệnh viện Bạch Mai. Chúng ta có thể đặt vấn đề bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng" – chuyên gia này nói và cho rằng "câu chuyện chúng ta đi tìm nguồn lây nhiễm rất khó, việc xác định biện pháp dập dịch như thế nào quan trọng hơn".
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc xét nghiệm, phát hiện các trường hợp liên quan tại các ổ dịch, cách ly những bệnh nhân, người tiếp xúc gần, thậm chí khoanh vùng những vùng thấy có nguy cơ cao để dập dịch, là rất cần thiết.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc xét nghiệm nhanh kháng thể chỉ có tính chất sàng lọc. "Còn xét nghiệm có tính chất khẳng định nguồn lây như trường hợp bệnh nhân 243 thì Viện Vệ sinh dịch tễ, các viện Pasteur có khả năng làm được", ông Phu nói.
Thực tế hiện nay Việt Nam đã có những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, tuy nhiên rất khó phát hiện nguồn lây, tốn nhiều công sức, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, chỉ những trường hợp nào cần thiết mới xét nghiệm để khẳng định nguồn lây.
"Điều quan trọng là phải tập trung vào việc phát hiện ca bệnh tiếp xúc gần, người liên quan để cách ly và khoanh vùng dập dịch" - ông Phu khẳng định.
Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế khẳng định, giãn cách xã hội rất quan trọng. Điều này là để làm sao người bệnh không tiếp xúc người lành và ngược lại. Dù số ca bệnh chưa cao, nhưng Việt Nam đã tiến hành các biện pháp mạnh mẽ sớm và quyết liệt. Tuy nhiên, ông Phu cho rằng việc này cần được triển khai quyết liệt triệt để ở tất cả các nơi.
"Nếu nơi này làm tốt, nơi kia không thì chúng ta không biết đâu là ổ dịch, đâu là người mang mầm bệnh" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Trước đó, Bộ Y tế đã công bố bệnh nhân 243 là bệnh nhân nam, 47 tuổi, quê quán huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Ngày 12/3, bệnh nhân đưa vợ đi khám bệnh tại khoa Miễn dịch Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai và về trong ngày, có dừng ăn tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai. Từ đó đến nay, chưa quay lại bệnh viện. Ngày 30/3, bệnh nhân đến Trạm Y tế xã khai báo và được chỉ định cách ly tại nhà. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với người nhà, người thân và đối tác kinh doanh. Bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng. Ngày 04/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm, ngày 06/4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Tuy nhiên vào chiều 7/4, Bộ Y tế tiếp tục phát đi thông báo khẩn về lịch trình di chuyển của bệnh nhân mắc COVID-19 số 243, đề nghị tất cả những ai đến những địa điểm mà bệnh nhân này từng qua cần liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe. |