PGS. TS "choáng" khi 35 năm làm nghề mới gặp bệnh nhân người lớn bị ho gà
Bệnh nhân T. đang điều trị tại Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai |
Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhân 43 tuổi mắc bệnh Ho gà (Pertussis).
PGS. TS. Nguyễn Hải Anh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: đây là lần đầu tiên, tôi gặp 1 bệnh nhân ho gà ở người lớn trong suốt 35 năm làm lâm sàng đến nay.
Theo đó, ngày 26/2, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân (BN) Ong Văn T., 43 tuổi, được chuyển đến từ Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương vì ho từng cơn và khó thở có tiếng rít, bệnh nhân được chẩn đoán: theo dõi Hen phế quản.
Qua khai thác bệnh sử cho thấy, trước khi đi viện khoảng 1 tuần, anh Ong Văn T. có biểu hiện: đau họng, không sốt, đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn và được chẩn đoán: Viêm Amidan mủ.
Anh T. dùng thuốc theo đơn nhưng sau đó thấy xuất hiện những cơn ho, khó thở nên gia đình đã đưa anh T. trở lại Bệnh viện Thanh Nhàn và được nhập viện. Trong quá trình điều trị, BN T. xuất hiện nhiều cơn ho, kèm khó thở, trong cơn có tiếng thở rít, sau cơn ho, khó thở.
Bệnh nhân khạc đờm trắng, dính - Mỗi cơn kéo dài 5-10 phút, không có triệu chứng báo trước, bệnh nhân ho khó thở nhiều cơn trong ngày, nhiều nhất lên đến 8 cơn/1 ngày, có cơn ho, khó thở nặng, tím tái, phải chuyển khoa hồi sức tích cực; khám, và nội soi tai mũi họng, kết quả chẩn đoán là liệt cơ mở thanh quản nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi họng Trung ương (TMH TW).
Sau đó, tại Bệnh viện TMH TW, bệnh nhân được được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán theo dõi Hen phế quản vì nội soi tai mũi họng không phát hiện bệnh lý của chuyên khoa Tai mũi họng.
PGS.TS. Nguyễn Hải Anh, người trực tiếp thăm khám điều trị cho bệnh nhân cho biết, với kinh nghiệm lâm sàng 35 năm khám và điều trị bệnh về hô hấp, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy một bệnh cảnh đặc biệt như bệnh nhân T: ho cơn và khó thở, sau cơn ho khó thở là cơn khạc đờm trắng, trong, dính, không sốt trong suốt quá trình bị bệnh, khám phổi không thấy ran rít, ngáy như trong bệnh hen phế quản, hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
BS Hải Anh đã cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm chuyên sâu, tìm nguyên nhân của cơn ho và khó thở của bệnh nhân như: chụp CT ngực, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm máu, xét nghiệm đờm của bệnh nhân để tìm chẩn đoán xác định nguyên nhân.
Kết quả tại Khoa vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: Vi khuẩn định danh PCR Ho gà (PCR real time: Bordetelle pertusis dương tính) - dương tính. Để khẳng định chắc chắn chẩn đoán, mẫu đờm của bệnh nhân được gửi sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và kết quả Vi khuẩn định danh PCR Ho gà cũng trả lời: dương tính.
Sau 7 ngày điều trị tại Trung tâm Hô hấp, bệnh nhân Ong Văn T đáp ứng tốt, tỉnh táo, giảm triệu chứng ho và khó thở. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện vào hôm nay.
PGS.TS. Nguyễn Hải Anh khuyến cáo: dù bệnh ho gà về cơ bản đã được kiểm soát và thường chỉ xảy ra ở trẻ em nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, không nghĩ đến ho gà trên người lớn. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân mới giúp cho điều trị hiệu quả. “người dân, cũng như các thầy thuốc cần ý thức được rằng, người lớn cũng có thể mắc bệnh ho gà, mặc dù rất ít gặp. Để phòng bệnh, cần phải đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.
Bệnh ho gà xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới và thường xảy ra ở trẻ em. Trước khi có vắc xin, bệnh ho gà phát triển mạnh và bùng nổ thành dịch có tính chu kỳ khoảng 3 - 4 năm ở nhiều nước.
Sau hơn 40 năm sử dụng vắc xin cùng với việc cải thiện đời sống và chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ mắc bệnh ho gà trên thế giới đã giảm xuống từ 100 đến 150 lần vào năm 1970.
Nhưng ở thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20, tỷ lệ mắc ho gà lại tiếp tục tăng. Từ 1992 đến 1994 có 15.286 trường hợp bệnh được báo cáo với tỷ lệ chết là 0,2%. Trong số mắc này, có 50% bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin ho gà. Kết quả nghiên cứu dịch tễ học cho biết số mắc thật còn cao hơn số được báo cáo và miễn dịch bảo vệ được tạo thành của vắc xin toàn tế bào ho gà bị suy giảm nhanh nên vẫn bị mắc bệnh.
Ở Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành ở mọi nơi trong cả nước. Khi chưa thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), bệnh ho gà thường xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt nghiêm trọng ở miền núi là nơi có trình độ kinh tế-xã hội phát triển thấp.
Trong vụ dịch, bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Dịch có tính chu kỳ khoảng 3-5 năm.
Từ năm 1986, Chương trình TCMR được phát triển rộng khắp trong cả nước. Tất cả trẻ dưới 1 tuổi được phổ cập gây miễn dịch cơ bản bằng 3 liều vắc xin bạch hầu- ho gà- uốn ván (DTP).
Sau nhiều năm tiêm vắc xin DTP, tỷ lệ mắc và chết của bệnh ho gà đã giảm rất rõ rệt. Tỷ lệ mắc trung bình thời kỳ 1991-1995 của cả nước là 7,5/100.000 dân.
Từ năm 1993, tỷ lệ tiêm DTP được duy trì ở mức trên 90%, có năm đạt trên 95% (1997, 2000) với chất lượng tiêm chủng được cải thiện nên tỷ lệ mắc trung bình của cả nước trong thời kỳ 1996-2000 đã giảm xuống 1,8/100.000 dân.