Ông Tập Cận Bình thăm Triều Tiên là để "nhắc nhở" Tổng thống Trump?
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong un, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Truyền thông Mỹ nhận định chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài 2 ngày (ngày 20-21/6) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Triều Tiên có thể dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tờ New York Times cho rằng thông qua chuyến thăm Triều Tiên, ông Tập Cận Bình có thể sẽ can thiệp vào các cuộc đàm phán của ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thời gian tới và ít nhiều sẽ có tác động đến cuộc gặp Trump-Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng này.
Do quan hệ căng thẳng trong lĩnh vực thương mại Trung-Mỹ cũng như các hành động của Mỹ đối với công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc, đây sẽ là một món quà tuyệt vời dành cho ông Trump.
Phong trào biểu tình phản đối sửa đổi dự luật dẫn độ ở Hong Kong gần đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ nêu vấn đề này khi họ gặp nhau tới đây.
Tuy nhiên, động thái của ông Tập Cận Bình có thể khiến ông Trump trở thành “người ngoài cuộc” của sự kiện ngoại giao này, trong khi đó đối với ông Trump, việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Điều này cho thấy khi mối quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục căng thẳng, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ hành động một mình, dù là với các nhà lãnh đạo láng giềng hay lãnh đạo các nước khác như Nga, Ấn Độ…
Tổng thống Mỹ Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình ở Osaka vẫn chưa hoàn tất. Mặc dù các quan chức Mỹ mong muốn hai nhà lãnh đạo ngồi lại nói chuyện với nhau, nhưng giới truyền thông Trung Quốc vẫn đề cập đến cuộc gặp dưới dạng giả thiết.
Ông Trump gần đây cho biết việc ông và ông Tập có gặp nhau hay không cũng “không quan trọng”, bởi nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận thương mại, ông sẽ tiếp tục áp thuế đối với số hàng hóa xuất khẩu còn lại trị giá 325 tỷ USD của Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 16/6, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo chỉ là một sự đồng thuận để tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại. Cả hai nhà lãnh đạo đã làm việc chăm chỉ để ngăn chặn căng thẳng giữa hai nước biến thành “ân oán cá nhân”.
Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây đã gọi ông Trump là “bạn”, trong khi Tổng thống Trump thường ca ngợi tình bạn của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc, mặc dù ông thừa nhận rằng có sự khác biệt rõ ràng về lợi ích giữa hai ông.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tác động từ thuế quan của Mỹ, đặc biệt là áp lực của nó đối với Huawei, khiến quan hệ hai nước có xu hướng xấu đi, do đó mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo cũng không còn quá quan trọng.
Phe diều hâu cứng rắn ở cả Bắc Kinh và Washington đều chiếm ưu thế, làm giảm cơ hội cho những đột phá ở cấp lãnh đạo. “Các mối quan hệ tốt và sự hiểu biết ngầm ở góc độ cá nhân có thể giúp bạn tránh được một số vấn đề nhất định. Tuy nhiên, hiện nay nó dường như phát triển ở cấp cao nhất khi Mỹ và Trung Quốc tham gia cuộc cạnh tranh quyền lực nước lớn”, cựu chiến lược gia của Trump là ông Stephen K. Bannon nói.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình lần này là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Triều Tiên sau 14 năm. Sau khi Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa và hạt nhân thành công, Trung Quốc đã bỏ phiếu tại Liên hợp quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc hơn đối với Bình Nhưỡng, khiến ông Kim Jong-un rất không hài lòng.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên. Bình Nhưỡng từ lâu dựa vào đồng minh này để điều đình trên vũ đài quốc tế. Khi tàu chở dầu tới Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế, đôi khi Trung Quốc chọn cách “làm ngơ” để giúp Kim Jong-un.
Trước chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, Ban Liên lạc và Đối ngoại Trung ương Trung Quốc tuyên bố ông Tập Cận Bình sẽ “mang đến động lực mới” cho mối quan hệ Trung-Triều.
Theo CCTV, chuyến đi của ông Tập Cận Bình trùng với dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Triều. Một năm sau thiết lập quan hệ, Trung Quốc đã sát cánh với Triều Tiên đối đầu với Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 .
Tổng thống Trump vẫn công khai bày tỏ cam kết “hành động ngoại giao”. Tuần trước, ông tiết lộ rằng ông đã nhận được một bức thư “nồng ấm và tử tế” từ ông Kim Jong-un. Trong thư, ông Kim đề xuất tái thiết quan hệ giữa hai nước sau khi các cuộc đàm phán tại Hà Nội không có kết quả. Tuy nhiên, ông Trump không cung cấp chi tiết về bức thư.
Phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ông Ko Min-jung mới đây tiết lộ rằng Hàn Quốc biết về công tác chuẩn bị cho kế hoạch thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình từ tuần trước, đồng thời khẳng định Hàn Quốc luôn ủng hộ các nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán giải trừ quân bị.
Giới phân tích cho rằng mục đích chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình là để "nhắc nhở" Tổng thống Trump về tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.