Ông Obama “lặng lẽ” chuyển tiền cho Palestine trước giờ rời Nhà Trắng
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và một vài cố vấn của Quốc hội Mỹ tiết lộ chính quyền của ông Obama đã thông báo cho Quốc hội biết sẽ sử dụng số tiền này vào sáng thứ Sáu (ngày 20/1), chỉ vài giờ trước khi ông Donald Trump nhậm chức.
Theo Business Insider, trước đó, chính quyền ông Obama đã phê chuẩn số tiền 227 triệu USD cho quỹ viện trợ nước ngoài, bao gồm 4 triệu USD cho các chương trình biến đổi khí hậu và 1,25 triệu USD cho các tổ chức của Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, ít nhất hai nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã dùng quyền của mình để ngăn không cho chính quyền ông Obama hỗ trợ cho giới chức Palestine. Hành động này được cơ quan hành pháp tôn trọng song không bắt buộc về mặt lập pháp.
Cựu Tổng thống Obama có bài phát biểu chia tay tại Chicago. Nguồn: Reuters |
Hòa giải Palestine và Israel từ lâu đã là một trong những vấn đề nan giải nhất của thế giới. Chính quyền của cựu Tổng thống Obama và chính quyền của Tân Tổng thống Donald Trump đều có những quan điểm khác nhau về vấn đề Israel và Palestine. Trong chiến dịch tranh cử trước đó, tỷ phú địa ốc Trump từng khẳng định, nếu đắc cử Tổng thống, Chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông sẽ công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia tách của Israel. Đây là một quan điểm hoàn toàn trái ngược với chính sách của Chính quyền Mỹ trước đó và đã ngay lập tức thổi bùng lên làn sóng phản đối của người Palestine.
Vì vậy, một trong những việc làm đầu tiên của ông Trump khi vừa nhậm chức là quyết định chuyển Đại sứ quán của Mỹ ở Tel Aviv tới Jerusalem, đồng thời chỉ định ông David Friedman làm Đại sứ nước này tại Israel. Ông Friedman là một luật sư, ủng hộ việc đặt Đại sứ quán Mỹ tại Israel ở Jerusalem và có tư tưởng ủng hộ việc mở rộng các khu định cư tại khu Bờ Tây bị người Do Thái chiếm đóng trái phép.
Hôm 6/1, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cảnh báo ông Donald Trump rằng việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel tới Jerusalem sẽ vượt qua "giới hạn đỏ" và gây nguy hiểm đối với các triển vọng hòa bình.
Mỹ và hầu hết các nước thành viên Liên hợp quốc vốn không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và coi hiện trạng của thành phố này là một trong những vấn đề gai góc nhất trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua giữa Israel và Palestine.