Ông Nguyễn Thiện Nhân: Đề nghị có cơ chế giám sát lời hứa của mỗi đại biểu
Sáng nay (20/7), trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trước Quốc hội sáng nay, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với sự hưởng ứng, tham gia có trách nhiệm của nhân dân cả nước đã tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Theo đánh giá, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử. Thực hiện pháp luật về bầu cử, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đã nỗ lực cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc bầu cử với tỷ lệ cử tri cả nước đi bầu là 99,35%.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân báo cáo trước Quốc hội sáng nay. |
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cử tri ghi nhận và đặc biệt quan tâm các chương trình hành động cũng như lời hứa của những người ứng cử tại các hội nghị tiếp xúc cử tri và mong muốn những người trúng cử thực hiện đầy đủ chương trình hành động và lời hứa của mình; đồng thời, đề nghị có cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân giám sát việc thực hiện chương trình hành động, lời hứa của mỗi đại biểu.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân mong muốn các đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thực hiện tốt trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và phản ánh đầy đủ, trung thực tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân với các cơ quan Nhà nước; giám sát, đôn đốc các cơ quan nhà nước giải quyết các kiến nghị của nhân dân để trả lời cho nhân dân; phát huy trí tuệ, trách nhiệm để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, cử tri và nhân dân còn phản ánh về việc một số nơi công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử chưa thật sự sâu rộng, nhất là việc cung cấp thông tin để cử tri có thể nghiên cứu đầy đủ về tiểu sử, chương trình hành động của những người ứng cử; một số nơi hội nghị cử tri còn thiếu sự đối thoại giữa cử tri với người ứng cử; việc tổ chức các hội nghị cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử không đồng đều về số lượng các cuộc tiếp xúc; số ý kiến phát biểu trong một số cuộc tiếp xúc còn ít; nhiều cử tri còn gặp khó khăn khi cùng một lúc phải lựa chọn trong danh sách hàng chục người ứng cử để bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Đề cập đến việc xây dựng Nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc Quốc hội khóa XIII đã tập trung xây dựng và thông qua Hiến pháp năm 2013 và hệ thống văn bản pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp, tạo nền tảng pháp lý đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế; quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tiến hành giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc và cấp thiết của cuộc sống; tạo chuyển biến trong thực thi pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Quốc hội đã đổi mới hoạt động chất vấn, qua đó giám sát việc thực hiện các kiến nghị của cử tri, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và làm rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội và nhân dân.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng có nhiều ý kiến về các hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua như: việc quán triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện chủ trương của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực chưa kịp thời, đầy đủ và đồng bộ; việc thực thi pháp luật ở nhiều nơi chưa nghiêm túc; công tác phối hợp nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa chặt chẽ, dẫn đến một số văn bản, quy định ban hành chất lượng chưa cao, thậm chí còn nhiều sai sót; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong một số lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém.
Bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn chưa tinh gọn. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có lĩnh vực còn chồng chéo hoặc chưa bao quát hết các hoạt động trong thực tiễn.
Cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp ủy Đảng cùng cấp còn chưa rõ là một nguyên nhân của sự trì trệ trong quản lý nhà nước và tiêu cực, tham nhũng. Một số cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật, vi phạm quyền sản xuất, kinh doanh hợp pháp, gây bất bình trong nhân dân.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của nhân dân. Công tác phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng còn nhiều vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn chậm, một số vụ việc tồn đọng kéo dài.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, cử tri và nhân dân mong muốn các hạn chế này sẽ được Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp và các cơ quan nhà nước quan tâm, ngay từ những phiên họp đầu nhiệm kỳ phải đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động của mình để giải quyết một cách triệt để.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác quản lý, giám sát việc bố trí cán bộ, công chức, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương; tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo tồn đọng”, ông Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết.