Ông Nguyễn Sự: Sẽ chấn chỉnh việc bán vé trong thời gian sớm nhất!
Tiếp theo cuộc phỏng vấn ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao Hội An về vấn đề xiết chặt việc bán vé vào tham quan khu phố cổ Hội An nhằm chống thất thu, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hội An để làm rõ hơn nữa những điều mà một số dư luận cho rằng chưa thật hợp lý
Việc thu phí tham quan phố cổ Hội An nhằm trùng tu các di tích xuống cấp (Ảnh: HC) |
Khi chúng tôi vừa nêu phản ảnh của bạn đọc về việc Hội An “chặn ngay đầu đường vào khu phố cổ để bán vé tham quan khiến du khách trong và ngoài nước phản ứng, còn phố cổ thì vắng tanh như chùa Bà Đanh”, ông Nguyễn Sự nói ngay:
"Tôi có thể nói luôn thế này. Tôi nhận được rất nhiều thông tin xung quanh việc bán vé vào tham quan khu phố cổ. Thực ra, nếu nói do việc bán vé này mà khu phố cổ “vắng tanh như chùa Bà Đanh” là nói không đúng. Nhưng rõ ràng việc tổ chức bán vé của mình đang có những cái bất hợp lý cần phải chấn chỉnh. Tôi khẳng định như vậy!
Mục tiêu của mình trong việc này rất là tốt nhưng phương thức làm, cách ứng xử lại có nhiều cái bất hợp lý, tạo ra tâm lý nặng nề, thậm chí có những trường hợp gây khó khăn cho du khách. Mình phải nói thẳng như vậy. Vì lẽ đó mà sắp đến cần phải có sự điều chỉnh. Thứ Sáu tới (ngày 25/4), tôi sẽ họp để nghe báo cáo về vấn đề này và sẽ xử lý những bất hợp lý đang nảy sinh, nhằm vừa tạo thuận lợi cho du khách, vừa đảm bảo mục tiêu du khách khi vào phố cổ là phải mua vé tham quan.
và tăng cường chất lượng các chương trình các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách (Ảnh: HC) |
Ông có thể cho biết điều bất hợp lý lớn nhất mà ông đã nhận thấy là như thế nào?
Mục tiêu của việc bán vé vào tham quan khu phố cổ là đúng, nhưng là đối với ai, với đối tượng nào? Đôi lúc có những du khách lưu trú tại Hội An 4 – 5 ngày, hôm nay họ đã mua vé vào tham quan phố cổ, ngay mai họ quay lại cũng bắt họ mua vé là vô lý quá, vì họ đã đi tham quan rồi. Chúng tôi đã thấy, đã biết việc này và sẽ xử lý. Nói “vắng tanh như chùa Bà Đanh” là nói thêm, nhưng nói có sự bất hợp lý là đúng. Có những cái bất hợp lý chứ không phải tất cả đều bất hợp lý.
Vì sao Hội An có sự thay đổi về cách bán vé so với đã làm từ năm 1995 đến nay?
Thực ra cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là để đảm bảo sự công bằng đối với những người chấp hành và không chấp hành. Ví dụ có những đơn vị lữ hành thu tiền để mua vé cho khách trong đoàn vào tham quan khu phố cổ nhưng khi đến thì không thèm mua vé. Như vậy là không công bằng giữa các đơn vị lữ hành với nhau.
Vấn đề thứ hai thuộc về quan điểm. Toàn bộ phố cổ Hội An là di tích chứ không chỉ một số địa danh trong khu phố cổ là di tích. Việc mua vé vào tham quan là thể hiện sự đóng góp để trùng tu di tích. Song cũng có những người lợi dụng việc kiểm soát không chặt chẽ để không mua vé. Làm như vậy sẽ khiến việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hội An bị méo mó đi, bởi vì họ không vào các điểm di tích thì làm sao có thể biết hết Hội An được.
Tuy nhiên, nhiều du khách vào khu phố cổ vì nhu cầu sinh hoạt, giải trí, ăn uống, mua sắm chứ không phải tham quan các di tích, nên việc buộc họ phải mua vé cũng là điều chưa hợp lý! (Ảnh: HC) |
Tuy nhiên cũng phải thấy một điều, Hội An là một di tích sống, tức là người dân đang sống ngay trong các di tích. Do vậy, ngoài nhu cầu tham quan các di tích còn có các nhu cầu sinh hoạt, giải trí, ăn uống, mua sắm… Thậm chí khách đến đây 3 – 4 ngày, chỉ vào phố cổ tham quan một lần thôi, nhưng mua vé hôm nay thì chỉ đi hôm nay, ngày mai vào lại phải mua vé là vô lý. Rõ ràng trong quá trình làm có nảy sinh những bất hợp lý thì mình điều chỉnh thôi chứ không có việc chi hết. Đó cũng là điều bình thường.
Ông có thể cho biết rõ thêm về việc bán vé thu phí để tái đầu tư cho trùng tu di tích tại Hội An?
Trong số tiền thu được từ bán vé tham quan có 75% được dành cho trùng tu di tích, còn lại 25% dùng cho chi phí in vé, nuôi bộ máy hoạt động… Trong khu phố cổ, các di tích loại đặc biệt bị xuống cấp nhưng chủ hộ khó khăn, di tích nằm trong hẻm thì được đầu tư ít nhất 75% kinh phí trùng tu. Ví dụ tổng kinh phí trùng tu hết 1 tỉ đồng thì ngân sách TP chịu 750 triệu. Thậm chí có những hộ quá nghèo nhưng di tích đặc biệt thì mình đầu tư luôn cả 100%. Còn với các di tích nằm ở mặt tiền, chủ hộ có thể buôn bán được thì ngân sách TP đầu tư 35%. Rất nhiều di tích đã được Hội An trùng tu theo phương thức này trong hàng chục năm qua.
Mục tiêu của việc bán vé là như thế chứ không phải thu nộp vào ngân sách để chi cho các mục đích khác. Thu phí là nhằm mục đích trùng tu di tích. Mục tiêu đó là quá đúng rồi, nhưng vấn đề là phương thức, cách làm thôi. Chúng tôi đã nhận thấy có những bất hợp lý trong cách làm vừa qua và sẽ xử lý, chấn chỉnh trong thời gian sớm nhất!
Xin cám ơn ông đã dành cho báo điện tử Infonet cuộc trả lời phỏng vấn này
Trong những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nhưng nguồn thu từ vé tham quan khu phố cổ Hội An vẫn tăng đều qua các năm. Năm 2013 đạt 76,47 tỉ đồng, tăng 55,07% so với năm 2012 và tăng 86,51% so với năm 2011. Tuy nhiên, nguồn thu từ vé tham quan trong thời gian qua chưa đạt so với yêu cầu, tỷ lệ thất thu còn lớn. Nguyên nhân cơ bản là do công tác quản lý hoạt động hướng dẫn, bán vé tham quan còn chậm đổi mới, chưa theo kịp thực tế.
Theo chỉ đạo của Thành ủy Hội An, trước mắt sẽ bố trí nguồn tăng thu vé tham quan năm 2013 để đầu tư và đưa vào hoạt động một số khu vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ du khách. Đồng thời, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ban đêm tại khu phố cổ. Thường xuyên thay đổi các hoạt động, hình thức trang trí nhằm luôn tạo sự mới lạ, hấp dẫn đối với du khách.
Nguồn: TT Văn hóa, Thể thao Hội An