Ông Lê Hiếu Đằng: "Đất nước là của chung"
Thưa ông, từng là người trực tiếp chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, ông có suy nghĩ gì về vấn đề hòa hợp dân tộc?
ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM |
Sau 30/4/1975, nhiều người Việt Nam đã rời bỏ quê hương, từ đó góp phần hình thành nên một lực lượng Việt kiều đông đảo hiện đang sinh sống tại rất nhiều quốc gia. Nếu chúng ta làm tốt việc hòa hợp, xóa bỏ đi những mặc cảm do lịch sử để lại, có những chính sách để động viên những người này hồi hương, thì đây sẽ là lực lượng có những đóng góp lớn trong việc xây dựng, phát triển đất nước.
Để xóa bỏ những mâu thuẫn, hàn gắn lại sự khác biệt, ngay sau khi chiến tranh kết thúc Nhà nước ta đã chủ trương chính sách hòa giải nhằm củng cố khối đại đoàn kết. Đây là việc làm rất đúng đắn bởi nếu không có sự đoàn kết chúng ta sẽ không thể tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc.
Hòa hợp dân tộc là một xu thế tất yếu, tuy vậy chúng ta không thể ngồi chờ và mong thời gian làm hộ công việc của mình. Theo ông chúng ta nên làm gì để tiến trình này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa?
Tuy chúng ta đã đặt ra vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc từ lâu, những chính sách dành cho vấn đề này cũng đã được đưa ra, nhưng trên thực tế còn rất nhiều vấn đề phát sinh. Một trong những vấn đề lớn nhất chính là thói quen đánh giá “địch” – “ta”. Đây là cách nhìn nhận còn tồn tại từ thời chiến tranh lạnh, trong khi hiện nay chúng ta đã tiến hành hội nhập sâu rộng với thế giới. Thêm vào đó tư tưởng giáo điều vẫn đang tồn tại trong suy nghĩ một số người thể hiện ở việc thực hiện chủ trương, chính sách, rõ ràng điều này không có lợi cho quá trình hòa hợp dân tộc.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đại Phúc, một Việt kiều Pháp nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân, hiện đang công tác tại Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Bên cạnh đó vấn đề người trong Đảng, ngoài Đảng cũng là điều chúng ta phải xem xét. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng đặt câu hỏi hàm ý tại sao các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước không có người ngoài Đảng?...
Thực tế hiện nay cho thấy chúng ta vẫn bị một số suy nghĩ cũ về vấn đề giai cấp, đảng phái ràng buộc. Đất nước đã hòa bình, cuộc chiến cũng đã lùi xa, vì thế chúng ta cần tạo điều kiện công bằng cho tất cả mọi người, sao cho mỗi vị trí trong xã hội đều phải xứng đáng với phẩm chất, năng lực của họ. Điều này cần phải được thể hiện bằng những chủ trương chính sách cụ thể, linh hoạt cho phù hợp với giai đoạn hiện nay, tránh việc hô hào suông.
Nhìn từ khía cạnh của cuộc chiến tranh, ngày 30/4/1975 là ngày đánh dấu sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa và những người ở bên kia chiến tuyến. Xét về tâm lý, những người chiến bại bao giờ cũng có vấn đề về tâm lý. Vì thế, ông có nghĩ rằng nếu chúng ta không chủ động đàm phán trước với một tinh thần khoan dung và cầu thị, chắc chắn vấn đề này sẽ khó thu lại những kết quả như mong đợi?
Ngay khi tiếp quả Sài Gòn, Thượng tướng Trần Văn Trà đã nói: “Đối với người Việt Nam ta không có kẻ thắng người thua mà chỉ có dân tộc Việt Nam ta thắng Mỹ”. Câu nói này đã làm rất nhiều người vui lòng, giúp họ giải tỏa những lo lắng còn sót lại. Tôi nghĩ, người chiến thắng phải có tinh thần quảng đại, rộng lượng, chúng ta phải đưa tay ra trước, đó là nghĩa cử xóa đi mặc cảm thể hiện chúng ta đã bỏ qua những mâu thuẫn, định kiến và đặt lợi ích của đất nước lên trên.
Có thể nói hiện nay đa phần những người sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc đều có những suy nghĩ thoáng hơn về vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, ông đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng này trong giai đoạn hiện nay?
Hiện nay ngoài số người rời đất nước trong và sau chiến tranh, chúng ta còn rất nhiều bạn trẻ là những người được sinh ra ở nước ngoài. Những thế hệ sau này gần như không bị ảnh hưởng, ràng buộc bởi những mâu thuẫn do lịch sử để lại. Nếu chúng ta có những chính sách đúng đắn đây sẽ là “vốn quý” trong công cuộc phát triển đất nước, bởi đa số những người này đều còn trẻ lại được đào tạo bài bản tại những nước có nền khoa học, học thuật phát triển.
Mọi người phải xác định rằng đất nước là của chung, nước Việt Nam là một, đã là người Việt Nam thì phải làm sao để Việt Nam lớn mạnh hơn, phải thấy được nỗi nhục của một quốc gia nghèo nàn để từ đó chung tay, góp sức làm cho đất nước phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!