Ông Donald Trump thừa nhận đã "châm ngòi" khủng hoảng vùng Vịnh
Reuters đưa tin, hôm qua (6/6), ông chủ Nhà Trắng viết trên Twitter rằng chuyến công du của ông tới Trung Đông “đã được đền đáp” đồng thời khẳng định bài phát biểu chống tư tưởng Hồi giáo cực đoan của ông ở Ả Rập Xê Út đã trở thành động lực cho các cường quốc Ả Rập quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar để phản đối việc quốc gia này tài trợ cho lực lượng khủng bố.
“Rất vui khi thấy chuyến thăm Ả Rập Xê Út, gặp gỡ Quốc Vương và 50 quốc gia đã có thành quả. Họ nói rằng sẽ mạnh tay hơn với ai đang tài trợ cho chủ nghĩa cực đoan và tất cả bằng chứng đều nhằm vào Qatar. Có thể đây sẽ là điểm bắt đầu để chấm dứt nỗi kinh hoàng mang tên khủng bố”, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chụp ảnh cùng Thái tử Ả Rập Xê Út trong chuyến công du Trung Đông vừa qua. Nguồn: Reuters |
Sau khi bày tỏ ý kiến trên Twitter, Tổng thống Donald Trump đã điện đàm với Quốc vương Ả Rập Salman và nhấn mạnh sự cần thiết phải đoàn kết ở vùng Vịnh. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho Reuters biết: “Thông điệp của Tổng thống là chúng ta cần phải đoàn kết trong khu vực để chống lại các tư tưởng cực đoan và tài trợ cho khủng bố. Điều quan trọng nhất là các quốc gia vùng Vịnh cần phải thống nhất vì hòa bình và an ninh trong khu vực”.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Washington chỉ được thông báo về quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar của 5 quốc gia Ả Rập ngay trước khi thông tin được công bố với toàn thế giới. Các quan chức Mỹ cũng không hề hay biết trước quyết định của Ả Rập Xê Út.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump hoan nghênh hành động của các quốc gia Ả Rập thì Lầu Năm Góc hôm qua (6/6) vẫn ca ngợi Qatar vì cho phép các lực lượng Hoa Kỳ trú ngụ cũng như “cam kết lâu dài của Doha với an ninh khu vực”.
Hiện Mỹ đang có khoảng 8.000 binh lính đồn trú ở căn cứ quân sự al Udeid tại Qatar, đây là căn cứ không quân lớn nhất của Hoa Kỳ ở Trung Đông và là điểm xuất phát cho các chiến dịch không kích của liên minh chống IS tại Syria và Iraq.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã điện đàm với người đồng cấp Qatar, tuy nhiên chi tiết của cuộc nói chuyện không được cung cấp cho báo giới.
Theo Reuters, dòng tweet mới nhất của Tổng thống Donald Trump trái ngược với bình luận từ các quan chức Mỹ hôm 5/6 khi cho rằng Washington sẽ cố gắng kiềm chế sự căng thăng giữa Ả Rập Xê Út và Qatar bởi Doha là một đồng minh rất quan trọng cho lợi ích ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ và đối tác quan trọng như vậy thì không thể để bị cô lập.
Từ nhiều năm nay, với sự giàu có nhờ nguồn khí đốt tự nhiên cùng sức mạnh truyền thông, Qatar đã tăng cường sức ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng trong vùng Vịnh cùng Ai Cập từ lâu đã tỏ rõ sự không hài lòng với quan điểm khác biệt của Doha cũng như cáo buộc quốc gia này ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo, kẻ thù chính trị của các nước vùng Vịnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út hôm 6/6 cho rằng Qatar cần phải thực hiện một số hành động để khôi phục quan hệ với các quốc gia Ả Rập quan trọng khác, bao gồm dừng bảo trợ cho nhóm phiến quân Palestine Hamas và tổ chức Anh em Hồi giáo.
“Chúng tôi đã quyết định thực hiện các hành động mạnh mẽ và cụ thể để làm rõ rằng như thế nào là đủ”, ông Adel Al-Jubeir cho các phóng viên biết. Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út khẳng định phải bắt nền kinh tế Qatar “trả một cái giá rất đắt” mới có thể thuyết phục được nước này thay đổi chính sách.
Chiến dịch cô lập Qatar của các quốc gia Ả Rập lớn đã làm gián đoạn các hoạt động thương mại ở Trung Đông từ dầu thô cho tới kim loại và thực phẩm cũng như làm gia tăng mối lo ngại về cú sốc đối với thị trường khí gas tự nhiên toàn cầu bởi Doha là một “người chơi” rất lớn trên thị trường này.
Maersk, nhà vận chuyển đường biển lớn nhất thế giới, cho hay hãng này không thể vận chuyển hàng hóa đi tới và đi ra khỏi Qatar bởi không được phép sử dụng cảng Jebel Ali của Các Tiểu vương quốc Ả Rập. Jordan cũng gia nhập thêm hàng ngũ các nước gây áp lực cho Qatar khi triệu hồi đại diện ngoại giao cũng như thu hồi giấy phép của hãng truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Doha.