Ông Donald Trump "giúp" Nga – Trung từ xa cách thành thân thiết
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra ngày càng tức giận với Trung Quốc và những câu chuyện liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, nhà lãnh đạo Mỹ đã quên mất một điều quan trọng, đó là tình bạn giữa Moscow và Bắc Kinh. Nói cách khác, ông Trump sẽ phải tìm cách đối phó với mối quan hệ ngày càng trở nên mật thiết giữa Nga và Trung mà chính nhà lãnh đạo Mỹ là "người mai mối".
Trong quá khứ, mối quan hệ Nga – Trung từng nhiều lần rơi vào khủng hoảng và điển hình là cuộc khủng hoảng biên giới năm 1969 giữa Liên Xô cũ và Trung Quốc. Còn hiện tại, hai quốc gia này vẫn đang cạnh tranh tầm ảnh hưởng với nhau.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp mặt ở Moscow hồi năm 2015. |
Nhận định trên được thể hiện rõ qua những bài viết được giới truyền thông Trung Quốc đăng tải. "Mối quan hệ Nga – Trung đang trong giai đoạn 'tốt đẹp nhất trong lịch sử' và những cuộc trao đổi giữa nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ song phương", Tân Hoa Xã trích tuyên bố chung mới đây của hai nhà lãnh đạo Nga – Trung.
Trong chuyến thăm hai ngày tới Moscow từ ngày 3 – 4/7, ông Tập cũng đã ký kết một thỏa thuận có trị giá 11 tỷ USD với Nga bất chấp việc trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra quyết định áp đặt lệnh trừng phạt với một số công ty Trung Quốc trước cáo buộc bắt tay làm ăn với Triều Tiên.
Theo Business Insider, mới nghe thì tuyên bố được Tân Hoa Xã nêu có vẻ bình thường nhưng thực tế, đây không phải là mối quan hệ tình bạn đơn thuần giữa Nga - Trung. Nói cách khác, ông Trump đã trao cơ hội cho Nga – Trung và hai quốc gia đã nắm bắt thời cơ để giảm bớt tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội cho Nga – Trung cùng tăng tầm hưởng kinh tế trước Mỹ mà còn làm thay đổi cả ý thức hệ.
Cũng theo Tân Hoa Xã, hai nhà lãnh đạo Nga – Trung khẳng định sẽ cùng hành động vì hòa bình thế giới. Khi cả hai nước cùng kêu gọi đưa ra một giải pháp hòa bình cho tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố này cũng nhấn mạnh "sự phản đối mạnh mẽ đối với việc một số quốc gia đơn phương triển khai các hệ thống chống tên lửa ở châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương chỉ vì lợi ích của riêng mình".
Business Insider cho rằng, tuyên bố này dường như nhắm tới các hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang triển khai trên khắp thế giới và mới đây là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Cả Bắc Kinh và Moscow đã lên tiếng phản đối sự xuất hiện của THAAD ở Hàn Quốc đồng thời kêu gọi Mỹ cho dừng kế hoạch. Về phần mình, Washington và Seoul cho rằng THAAD sẽ là vũ khí đắc lực giúp Hàn Quốc ngăn chặn mối đe dọa từ lực lượng tên lửa của Triều Tiên.
Cũng theo tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Nga – Trung, "Dù không phải là quan hệ liên minh quân sự, quan hệ đối tác Nga – Trung phản đối tâm lý chiến tranh lạnh cũng như không muốn nhắm tới công kích nước thứ ba".
Về phần mình, thay vì đưa ra những hành động và quyết sách nhằm tăng cường quan hệ với châu Âu và châu Á, chính quyền của Tổng thống Trump lại rút tên Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, TPP hoàn toàn có thể giúp Mỹ tăng cường tầm ảnh hưởng ở châu Á để dần loại bỏ vị thế của Nga và Trung Quốc tại khu vực này.