Ông Đỗ Văn Đương: "Có phải cứ học đại học, tiến sĩ sẽ là ĐBQH?"
Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội khóa 13, ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) nhận xét, hoạt động của Quốc hội đã có hiệu quả, đem được hơi thở cuộc sống vào nghị trường và ban hành nhiều nghị quyết góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Đơn cử, nghị quyết về tư pháp được Quốc hội thông qua đã chấn chỉnh hoạt động tư pháp, tấn công đẩy lùi tội phạm... “Đất nước ổn định về kinh tế, chính trị, an ninh là điều rất mừng” – ĐB Đương nhìn nhận.
Tuy nhiên, ĐB Đương nhận thấy hoạt động của Quốc hội còn bộc lộ nhiều hạn chế: “Quốc hội đã thực sự là cơ quan dân biểu, cơ quan quyền lực cao nhất của dân chưa? Cái này còn hạn chế”.
ĐB Đương nhận xét, đáng lẽ từng ĐB phải thể hiện được tính dân biểu của mình, song tiếc là "nhiều ĐB vẫn phát biểu kiểu “xếp hàng”, nhiều vấn đề gai góc, nổi cộm chưa làm rõ. Nhiều ĐB nói khơi vấn đề rồi để đấy, mà không đeo bám vấn đề tới cùng. Tính tranh luận tại nghị trường chưa tới cùng".
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội |
Lấy ví dụ khi các ĐB tham gia ý kiến đóng góp sửa Điều 60 liên quan tới chính sách bảo hiểm của người lao động, ĐB Đương cho rằng, rất nhiều ĐB bấm nút nhưng lại nói loanh quanh, lặp đi lặp lại mà không “đẩy” được sâu vấn đề, chỉ rõ bất cập của điều luật này và sửa đổi.
Điều khiến ĐB Đương lo lắng hơn cả là chất lượng ĐBQH. "Thừa nhận là phải đảm bảo cơ cấu thành phần ĐB theo luật định, đảm bảo tính đại diện theo vùng miền, tầng lớp dân cư.. nhưng chất lượng ĐB sẽ như thế nào? Có phải cứ học Đại học, tiến sĩ sẽ là ĐB? Tiến sĩ giấy bây giờ nhiều lắm” – ông Đương đặt câu hỏi.
Nêu tồn tại về chất lượng ĐB chuyên trách, ĐB Đỗ Văn Đương nói thẳng, “cứ chuẩn bị tới kỳ bầu cử lại có chuyện thăng hàm Vụ phó lên Vụ trưởng rồi cứ thế mà đề cử lên. Cứ làm như vậy thì chết. Nhiều đồng chí nói rất hay, nhưng đi vào bảo viết về một quy phạm pháp luật, báo cáo thì không làm được”.
Cùng chung mối lo chất lượng ĐB, ĐBQH Lê Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh) đề cập tới chuyện ĐBQH chưa "sòng phẳng" và là dân biểu của dân. "Là ĐB 5 năm, tôi biết rõ ĐB nào phát biểu bài của ai, ai phát biểu vì mục đích gì" - ĐB Lộc nói.
Khắc phục khiếm khuyết này, ĐB Đỗ Văn Đương nêu quan điểm, “phải coi trọng và khuyến khích những anh thực sự đóng góp. Chứ cứ ngước làm lãnh đạo để kiếm cái gì đấy là thói hư tật xấu phải chấn chỉnh. Nếu không khắc phục được, khuyết điểm cứ năm này năm kia kéo dài mãi”.
Đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhìn nhận, hoạt động giám sát còn nặng về nghe báo cáo, xét báo cáo, hơn là thẩm tra hoạt động thực tế.
“Cứ dựa vào báo cáo lại đánh giá về câu chữ, rất chung chung, chứ không nêu lên được “bệnh tật” của nền kinh tế. Chừng mực nào đó, nhiều ĐB phát biểu “vuốt ve” nhiều quá. Cơ thể ốm yếu phải chỉ ra bệnh gì, chứ cứ nói một chiều thì tính phản biện và dân biểu không cao” – ông Đương nói thẳng.
Chia sẻ quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm chỉ ra nguyên nhân chính là do quyền lực của Quốc hội chưa rõ ràng.
“Ý thức phục vụ nhân dân chưa tốt nên làm cho người dân bức xúc. Quyền của người dân bị vi phạm. Quốc hội phải giảm hình thức trong hoạt động của mình, giảm hình chính hoá hoạt động của mình, như thế ĐB mới gần dân” – ĐB Nguyễn thị Quyết Tâm trăn trở.
Bà Tâm đề nghị cần cơ chế để Quốc hội gần dân hơn, chứ không phải kiểu giám sát “bàn giấy”.