Ở nơi những đứa trẻ đếm từng ngày để về Tết
Các bệnh nhi đang chơi ở phòng thư viện của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương |
Nơi nước mắt chảy vào trong
Chị Phạm Thị Thịnh, mẹ của của Lê Phạm Quỳnh A. 10 tuổi, Thọ Lộc, Thanh Hóa đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương không giấu được xúc động khi có người hỏi về bệnh của con.
Chị Thịnh kể bé phát hiện ung thư máu 5 năm nay và cuộc chiến với bệnh ung thư máu chưa có hồi kết. Chị Thịnh cho biết vì điều trị cho con mà chồng chị phải vào tận Bình Dương làm ăn kiếm tiền gửi ra Bắc cho con chữa trị.
Những năm qua, hai mẹ con Quỳnh A. vẫn cùng nhau đi viện rồi lại về nhà. Chị Thịnh kể: “Ở đây rồi cũng quen, những người ở đây đều sống trong cảnh nước mắt chảy vào trong để cùng con vượt qua bệnh tật”.
Các bố các mẹ ở khoa này ai cũng biết nhau, biết rõ quê của từng cháu, bệnh của từng cháu và không ít cháu đã không chiến thắng trong cuộc chiến chống bệnh tật này.
Cô bé Quỳnh A. luôn mỉm cười khi gặp người lạ, ở cô bé dường như bệnh tật bỏ lại phía sau. Xòe bàn tay 10 ngón tay xinh xắn, Quỳnh A. đếm từng ngày để về quê ăn Tết. Cô bé khoe: “Con đã điều trị rồi và thường 15 ngày là con được về nhà và sau đó lại ra điều trị tiếp. Tết con sẽ được về quê, được bố mẹ mua váy mới”. Chỉ nghĩ đến Tết được gặp bố, được nhận lì xì, được mặc váy mới cô bé lại hấp hửng vui mừng. Sau đó, cô lại nhanh chân chạy khuất trong hành lang bệnh viện đi vế phía cuối phòng bệnh của mình.
Cùng có thâm niên điều trị ở đây lâu ngày như bé Quỳnh A. bé Đỗ Tiến S. con anh Đỗ Tiến Nghị cũng có thâm niên 5 năm điều trị ung thư máu.
Anh Nghị tâm sự quê anh ở Chương Mỹ, Hà Nội. Bé S. là con út của gia đình anh. Trước S. là ba chị gái. Vợ chồng anh muốn có nếp có tẻ và S. ra đời trong hạnh phúc vô bờ bến của gia đình nhưng hạnh phúc chẳng tày gang.
Cách đây hơn 4 năm, S. bị sốt cao liên tục, người gày xanh xao. Gia đình đưa bé đi khám bệnh thì bác sĩ cho biết cháu có bất thường bệnh máu. Vợ chồng anh đưa con lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cháu bị ung thư máu là kết quả cuối cùng sau nhiều xét nghiệm.
Căn bệnh ung thư máu đã khiến vợ chồng anh Nghị ngã quỵ. Cũng từ đây, mọi công việc anh đều bỏ lại và cùng cậu con trai chiến đấu với bệnh tật với mục tiêu dù mất tất cả chứ không để mất con.
Hành trình cũng con chiến đấu với bệnh tật là quãng thời gian anh Nghị không bao giờ biết giọt nước mắt bởi có khóc nước mắt cũng không chảy được bởi nó đã nuốt trọn vào trong.
Anh Nghị kể cùng với cháu S. đợt đó có 30 cháu thì đến nay chỉ còn lại 5 cháu. Chính vì thế, anh càng không bỏ cuộc. Những năm tháng phải truyền hóa chất, cháu bị tác dụng phụ lở miệng, yếu ớt, sốt cao rồi lại thuốc này thuốc kia. Trải qua bao đau đớn nhưng cậu bé S. không bao giờ khóc. Có lẽ vì thế, anh Nghị không cho phép mình khóc bởi con còn đang cố gắng chiến đấu lại bệnh tật thì người làm bố như anh phải mạnh mẽ hơn làm chỗ dựa cho con.
Bệnh không thể phòng
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Khoa bệnh Máu và trẻ em, Viện Huyết học và truyền máu trung ương cho biết: “Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là trẻ thường trong tình trạng thiếu máu, da xanh, xuất huyết với các vết bầm trên da, sốt không tìm được nguyên nhân hoặc điều trị không đỡ, nổi hạch; có trẻ lại có dấu hiệu đau xương, thậm chí không đi lại, hạn chế vận động. Xét nghiệm mới ra bệnh. Vì đây là bệnh cấp tính nên chỉ diễn biến rất nhanh trong vài tuần lễ, bệnh nhân đi khám thường muộn.
Bà Hồng cho biết thêm, với ung thư máu dòng lêxơmi cấp, khi tế bào ung thư xuất hiện trong tủy xương sẽ lấn át các dòng tế bào máu khác tạo ra thiếu hồng cầu (gây thiếu máu), thiếu tiểu cầu (gây xuất huyết), thiếu bạch cầu (gây nhiễm trùng, sốt)… và dấu hiệu thâm nhiễm của ung thư như gây đau xương, đau đầu, thậm chí gây liệt, lồi mắt ở bệnh nhân.
Tuổi từ 1-5 luôn chiếm tỷ lệ cao nhất gần 50% ở ung thư máu. Với ung thư máu thường không chia giai đoạn bệnh và diễn biến rất cấp tính. Nên chủ yếu chia theo thể tủy hay thể lympo, và theo nhóm nguy cơ cao hay thấp để điều trị.
Bác sĩ Hồng cho biết bệnh ung thư máu hiện nay chưa rõ nguyên nhân và cơ chế gây bệnh, tuy nhiên có những thống kê về nhóm yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với hóa chất, tia xạ, benzen, ung thư máu thứ phát từ 1 ung thư khác, hoặc nhiễm một số loại vi rút có tiến triển gây lên ung thư máu… , nên khó có giải pháp phòng bệnh. Chính vì thế, khi có các dấu hiệu như trên cha mẹ nên đưa bé tới viện sớm để điều trị.