Ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD
Đó là thông tin được PGS-TS Đinh Đức Trường, Trưởng Khoa môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ tại Tọa đàm đối thoại chính sách "Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm", do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức tại Hà Nội sáng 14/1.
Toàn cảnh tọa đàm ngày 14/1 tại Hà Nội... |
Ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn với người dân. Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí kém liên tục xuất hiện nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp. Chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức nguy hiểm, có hại cho sức khỏe của con người.
Nhìn nhận vấn về ô nhiễm không khí dưới góc nhìn kinh tế, PGS TS. Đinh Đức Trường thuộc ĐHKTQD cho rằng, xuất phát từ cấu trúc và hình dạng của mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là đang thâm dụng tài nguyên, coi đó là "cứu cánh" cho tăng trưởng nên những hệ lụy về môi trường và phát triển bền vững cũng vì thế mà bị tác động.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng giống như các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, thường có sự chậm trễ tương đối trong việc xây dựng các tiêu chuẩn về môi trường. Vì vậy, để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, các cơ quan quản lý cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí.
Phân tích sâu hơn về các giải pháp, PGS.TS Đinh Đức Trường chỉ ra 4 nguồn thu chính có thể sử dụng để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đó là: thuế carbon; phí ô nhiễm môi trường; trái phiếu môi trường và hợp tác công tư (PPP) - trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường. Các khoản thu này cần được sử dụng để chi cho hoạt động giám sát và hệ thống xử lý vi phạm về môi trường; đầu tư cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh.