Ô nhiễm không khí ở ngưỡng nguy hại, bầu trời Hà Nội mờ mịt suốt cả ngày
Hà Nội đang trong một đợt ô nhiễm không khí kéo dài liên tục nhiều ngày, gây nguy hại tới sức khỏe của người dân nên cần hạn chế các hoạt động ngoài trời. Quang cảnh mù mịt bao trùm nhiều tòa nhà cao tầng trong thành phố.
Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường thuộc UBND TP Hà Nội, AQI trên 200 là ngưỡng "mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn và cần hạn chế hoạt động ngoài trời". Giá trị AQI gồm 5 ngưỡng từ "tốt" đến "nguy hại", trong đó mức "rất xấu" chỉ xếp sau "nguy hại".
Theo số liệu hiển thị của ứng dụng PamAir trưa nay (6/1), khu vực Hà Nội phủ kín màu đỏ và tím, biểu thị chất lượng không khí ở mức nguy hại. Còn AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ tư trên thế giới với chỉ số AQI là 247. Trang này dự báo ngày mai (7/1), mức độ ô nhiễm ở Hà Nội sẽ giảm xuống còn 178, tuy nhiên sẽ tăng trở lại mức 197 vào thứ năm.
AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ tư trên thế giới với chỉ số AQI là 247. |
Cuối tuần trước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị TP Hà Nội triển khai một số biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, bao gồm việc đẩy nhanh việc thu hồi xe cũ nát, lạc hậu.
Bộ này cũng đề nghị các địa phương tăng cường việc tuyên truyền người dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ; kiểm tra việc thi công các công trình xây dựng, giao thông; thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.
Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội cũng vừa có báo cáo UBND TP về chất lượng không khí trên địa bàn toàn thành phố.
Trong những ngày qua chỉ số ô nhiễm của Hà Nội gia tăng đáng ngại, các chuyên gia môi trường cảnh báo bầu không khí bị ô nhiễm đã chạm ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người. |
Theo báo cáo, từ ngày 29/12/2020 - 5/1/2021, kết quả quan trắc tại 35 trạm trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, chỉ số chất lượng không khí AQI theo giờ bắt đầu có xu hướng tăng từ ngày 1/1/2021 và tăng mạnh vào sáng ngày 5/1/2021 chạm ngưỡng “rất xấu".
Đặc biệt, sáng 5/1, chất lượng không khí chạm ngưỡng "rất xấu" tại nhiều địa điểm (mức cảnh báo 5/6: mọi người đều bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng, hệ thống quan trắc chất lượng không khí của TP Hà Nội không có trạm quan trắc không khí phát hiện chỉ số ở mức nguy hại AQI>300). Chất lượng không khí suy giảm mạnh không chỉ riêng trong TP Hà Nội mà còn suy giảm trong cả khu vực miền Bắc.
Sáng sớm ngày 6/1, chất lượng không khí suy giảm đến mức kém, xấu; nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí cao nhất trong các ngày gần đây. |
Khu vực đường Trường Chinh bầu trời mù mịt, từ flycam quan sát cho thấy đây là nơi mù mịt nhất tại nội thành Hà Nội. |
Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội đánh giá các nguyên nhân: Trong giai đoạn đầu gió mùa đông bắc tăng cường, do ảnh hưởng của khối không khí lạnh bắt đầu tràn về với những đợt gió mạnh, ghi nhận tốc độ gió cao tại các trạm, thúc đẩy khả năng khuếch tán chất ô nhiễm nên chất lượng không khí giữ ở mức "tốt" và "trung bình". Tuy nhiên, khi khối không khí lạnh suy giảm, tốc độ gió thấp trên cả khu vực gây ra điều kiện lặng gió, nền nhiệt xuống thấp, về đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm mạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, sáng sớm và chiều muộn hình thành lớp sương mù dầy đặc cản trở việc khuếch tán ô nhiễm, gây ô nhiễm cục bộ.
Chất lượng không khí xấu cũng được cho là do bụi mịn PM2,5 - loại bụi được coi là "sát thủ" trong không khí. |
Khung cảnh khá mù mịt tại khu vực quận Cầu Giấy sáng sớm ngày 6/1. |
Ngoài ra, khu vực vùng Thủ đô địa hình chủ yếu là đồng bằng, thấp từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng; bao bọc xung quanh TP Hà Nội tại các khu vực giáp ranh là các khu vực đồi núi và các khu, cụm công nghiệp tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên đang phát triển mạnh; do đó, với điều kiện khí tượng sương mù sát mặt đất gây ra hiện tượng quẩn gió, các chất ô nhiễm không phát tán được và tích tụ ô nhiễm trong những ngày qua tại khu vực Thủ đô Hà Nội nói riêng và một số tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Bên cạnh đó, một số tác động cục bộ do hoạt động giao thông tăng cao sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, tình trạng rác thải ùn ứ, không được vận chuyển đến bãi xử lý làm gia tăng tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát gây ô nhiễm môi trường, việc đốt rơm rạ, các hoạt động xây dựng, lát đá vỉa hè và các hoạt động sản xuất là những nguyên nhân phát thải ô nhiễm nội tại trên địa bàn TP.
Ô nhiễm nghiêm trọng nhất vào đêm và sáng sớm. |
Các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. |
Bảo Khánh