Nữ 9x bỏ việc về quê nuôi "cá gỗ", từ ý tưởng điên rồ mang về cả nghìn đô
Từng là thiết kế đồ họa cho một công ty sáng tạo có tiếng ở Hà Nội, chị Nguyễn Ngoan (Hà Nam) đột ngột rẽ hướng, xin nghỉ việc để về quê nuôi "cá gỗ".
Cá gỗ được làm từ gỗ
Từng giữ vị trí thiết kế đồ họa cho một công ty sáng tạo ở Hà Nội với mức lương khủng, chị Nguyễn Ngoan (Hà Nam) đột ngột xin nghỉ việc để theo đuổi đam mê. Chị cho biết, đây là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời chị khi mạnh dạn bước qua những ranh giới.
"Tôi đã gom toàn bộ số tiền mình tích lũy được để bung vào đầu tư, mở xưởng khởi nghiệp. Đồng thời, tôi cũng đặt ra cho bản thân là kỳ hạn 6 tháng để thử sức. Nếu sai phải lập tức quay lại nhưng may mắn đã mỉm cười với tôi" - chị nói.
Chị Ngoan tâm sự, chị chọn gỗ là nguyên liệu để phát triển và cá là hình mẫu hướng tới. Toàn bộ cửa hàng chỉ bán duy nhất một sản phẩm là cá gỗ trang trí.
Lý do chị chọn cá là bởi ngay từ nhỏ, chị là người rất thích cá, bản thân lại là cung song ngư. Và hơn nữa, sau khi biết về câu chuyện đàn cá hồi vượt thác đẻ trứng, chị càng thêm yêu loài động vật này hơn.
"Không chỉ dừng lại là yêu mà còn là hiểu, bởi tôi còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu về cá. Tôi mới nghĩ, tại sao mình không phát triển một sản phẩm riêng biệt cho những người yêu cá" - chị kể.
Sẵn nghề trong tay, chị Ngoan thử làm một con cá gỗ thủ công với tất cả niềm say mê. Tuy không đẹp, không hoàn thiện như hiện tại, nhưng với chị, đó là tác phẩm đầu tiên đặt nền móng cho hành trình dài.
"Có lần, tôi mới hỏi bạn, liệu con cá gỗ mang đi bán với giá 30.000 đồng thì ai sẽ mua. Mọi người còn trêu rằng chẳng ai điên đi mua thứ dở hơi này làm gì. Và chỉ có người bị hâm mới nghỉ việc đi làm cá gỗ" - chị nhớ lại.
Không từ bỏ, chị Ngoan vẫn ngày đêm lao vào con đường tưởng chừng như điên rồ. Cứ thế, ngày chị đến cơ quan làm việc, tối về đẽo cá với hy vọng một ngày nào đó sẽ có người đón nhận sản phẩm của bản thân.
"Sau bao ngày nỗ lực, sản phẩm tôi làm ra đã có nhiều người mua. Thậm chí, họ còn trả giá cao để sở hữu. Tôi mới nghĩ, mình cần nghiêm túc và công bằng cho đam mê. Thế nên, tôi đã nghỉ việc để thực hiện điều mình muốn" - chị nói.
Biến ý tưởng trở nên đắt giá
Nếu chỉ bán cá gỗ đơn thuần thì việc cạnh tranh là tương đối khó, bởi các sản phẩm đồ chơi, vật trang trí trên thị trường khá phong phú. Đặc biệt là sự ra đời của đồ chơi nhựa và thiết bị điện tử. Thế nên, chị Ngoan buộc phải tìm lối đi tốt nhất, để làm sao vừa bán được giá cao mà vẫn giữ được tinh thần khác biệt, không hòa lẫn.
Và cách chị chọn chính là bán câu chuyện từ sản phẩm. Ở đây, không đơn thuần chỉ là bán giá trị của đồ vật, mà ẩn sâu trong đó còn là ý tưởng, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.
"Mỗi con cá tôi làm ra tác phẩm giới hạn, ở đó có câu chuyện, nguồn gốc, thông điệp mà tôi muốn gửi gắm. Đa phần khách đến với tôi, trước khi mua, tôi muốn họ hiểu về sản phẩm trước tiên thay vì vội trả giá" - chị nhận định.
Theo chị Ngoan, đây là cách chị giữ chân khách hàng theo cách đặc biệt. Bởi sản phẩm thủ công có thể bị sao chép, làm giả, làm nhái bất cứ lúc nào nhưng tinh thần, tư tưởng của tác giả thì rất khó.
Ngoài ra, chị còn cẩn trọng xác định tệp khách hàng mục tiêu mà cá gỗ sẽ hướng tới. Chị tập trung vào 2 nhóm đối tượng chủ yếu là khách hàng và khách hàng tiềm năng với 2 dòng sản phẩm tương ứng là móc khóa và đồ trang trí trong nhà.
"Tôi luôn đặt ra câu hỏi, phải làm như thế nào để khách bỏ ra 100.000 đồng mua chiếc móc khóa gỗ giữa muôn vàn lựa chọn. Và trên 100 USD, ai sẽ là người móc hầu bao để mua 1 đàn cá gỗ về trang trí trong nhà" - chị Ngoan lý giải.
Sau khi mọi thứ bắt đầu xong xuôi, chị Ngoan bắt đầu mở xưởng sản xuất ở Hà Nội. Nơi đây vừa là chỗ trưng bày, vừa là chỗ nuôi cá, chế tạo cá và bán cá của chị.
Giá cho mỗi con cá gỗ bằng móc khóa dao động 50.000 - 100.000 đồng/chiếc, vẽ theo yêu cầu từ 200.000 - 250.000 đồng/con, cá trang trí là 2,5 - 3 triệu đồng/bộ. Theo tiết lộ, mỗi tháng, chị bán ra thị trường hàng trăm bộ sản phẩm từ cá thu về cả nghìn USD.
Toàn bộ quá trình thực hiện như vẽ, cắt, đục, mài giũa cá đều do chị đảm nhiệm. Thi thoảng, chị có thuê thêm 2 - 3 nhân công cùng đến phụ giúp. Trong đó, nguồn nguyên liệu thô đa phần được chị đặt từ các xưởng chế biến gỗ, sau đó về mới làm tinh lại từ đầu.
"Với tôi, về mặt chuyên môn kỹ thuật không phải là vấn đề. Nhưng mình không phải là dân kinh doanh nên ban đầu chuyện quản lý tiền bạc, điều động vốn với tôi là cực hình" - chị kể.
Chị tâm sự, chị làm được khoảng 2 năm, mô hình xưởng cá gỗ bắt đầu phát triển, nhiều quỹ muốn rót vốn đầu tư nhưng chị không đồng ý. Bởi theo chị, nếu mở rộng quá nhanh, rất dễ dẫn đến việc đi chệch hướng, khó kiểm soát.
"Nhưng việc giậm chân tại chỗ cũng không phải cách hay, tôi cần mở rộng để tiếp tục phát triển. Nhưng chi phí ở Hà Nội quá cao, việc mở xưởng, tiền mặt bằng đôi khi cũng là một gánh nặng. Nên nhiều lần tôi mới nghĩ, liệu còn cách nào tốt hơn" - chị Ngoan cho biết.
Do đó, vào tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh gần như chững lại và cửa hàng đến kỳ trả. Chị Ngoan quyết định, khăn gói quả mướp về Thái Nguyên khoảng 10 năm để xây dựng "đế chế" riêng của mình.
"Tôi thấy việc sản xuất ở đâu cũng giống nhau còn knh doanh thế nào thì lại là do mình. Tôi chọn cách buôn bán online làm bàn đạp cho thời gian hiện tại. Và tôi thấy đây là giải pháp tốt nhất với tình hình trước mắt" - chị nói.
Một số tác phẩm tuyệt đẹp về cá của chị Ngoan:
Chàng trai ‘điên’ thu tiền tỷ mỗi năm nhờ "liều lĩnh" trồng hoa súng ngoại
Đầu tư, cải tạo vùng đầm lầy cát trắng, đưa giống hoa súng nhập ngoại về trồng, chàng trai 8X ở Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) ban đầu bị cho là gã “điên”. Hiện anh đã có doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm từ vùng đất này.
Theo dantri.com.vn