Nóng mùa du lịch: Lộ chiêu dụ khách hủy phòng để trốn phí, khách "mắc câu" rước bực
Đăng giá phòng nghỉ cực rẻ trên các trang đặt phòng trực tuyến, khi có khách đặt, chủ khách sạn,villa nhờ khách huỷ phòng để giao dịch trực tiếp để tránh mất phí- rồi đột ngột tăng giá, cách làm chụp giật khiến nhiều khách hàng bực tức
Hiện nay có rất nhiều ứng dụng đặt phòng khách sạn online được ưa chuộng vì đem đến sự tiện lợi, nhanh chóng giúp khách đi du lịch dễ dàng tìm kiếm phòng, biết các thông tin, chất lượng dịch vụ…
Tuy nhiên, có không ít trường hợp rủi ro, rước bực vào người như một số khách sạn mập mờ, để giá thấp, có khách đặt nhưng sau đó lại báo huỷ để giao dịch trực tiếp rồi thông báo giá cao hơn.
Sau khi xác nhận đặt phòng, chị M. được chủ khách sạn báo giá khác và nói chị huỷ đặt qua trang ứng dụng, giao dịch trực tiếp để khách sạn không mất phí |
Mới đây, chia sẻ trên một diễn đàn du lịch, chị T.M.M. (Hà Nội) cho biết, mỗi lần đi du lịch chị thường đặt phòng trên trang Booking, việc đặt phòng khá suôn sẻ, chưa gặp các vấn đề về phòng, tiền phòng hay bị bom, ngoại trừ có một số nơi hình ảnh thực tế không được đẹp như trên quảng cáo.
Mới đây, đoàn chị có 6 gia đình, quyết định chọn một biệt thự ở Thanh Hoá làm điểm nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khi đặt biệt thự đầu tiên, chủ biệt thự đề nghị chị M. huỷ book, không giao dịch qua ứng dụng mà giao dịch trực tiếp sau đó báo giá phòng cao gấp đôi. Lý do chủ biệt thự đưa ra là do chưa kịp cập nhật giá.
Không đồng ý, chị M. chọn đặt căn biệt thự khác thì cũng gặp tình trạng tương tự, đã xác nhận đặt phòng nhưng chủ biệt thự gọi điện nhờ huỷ book để giao dịch trực tiếp và giá là 10 triệu/đêm, trong khi đăng trên trang Booking là 6 triệu/đêm.
Quá thất vọng nên chị M. tìm tour để book trực tiếp song cũng không được: “Nhân viên nhiệt tình nhưng đến khi chuyển tiền cọc lại báo hết phòng, chờ tìm căn khác và đến một tuần cũng không thấy họ nhắn lại”. Cuối cùng cả nhóm đổi địa điểm du lịch sang Cô Tô.
Chị M. cho biết, việc đăng thông tin một đằng, báo giá một nẻo như thế này là gian dối khiến cả nhóm tự nhiên mất hứng và huỷ luôn kế hoạch đi Thanh Hoá. Hơn nữa, việc rao phòng trên Booking rồi lại báo huỷ để giao dịch trực tiếp đã cho thấy kiểu làm ăn chụp giật, mập mờ, thiếu chữ tín.
Và việc nhờ khách huỷ đặt phòng trên Booking được chủ biệt thự lý giải là do Booking tính phí hoa hồng 15%/đơn đặt phòng nên nhờ khách huỷ, giao dịch trực tiếp để không mất phí.
Sau bài chia sẻ của chị M., nhiều ý kiến cho biết họ cũng gặp tình trạng tương tự, khiến cả chuyến đi mất vui và ấn tượng không tốt về địa điểm du lịch.
Oái ăm hơn, có trường hợp đặt phòng trên Booking, khi xuống sân bay gọi điện cho chủ khách sạn thì họ mới báo là khách sạn đang tu sửa.
Một số bạn đọc bình luận, không chỉ trên trang Booking mà trên các ứng dụng vẫn xảy ra tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”. Không chỉ về giá cả, hình ảnh trên các trang đặt phòng đều rất đẹp nhưng chênh lệch nhiều so với thực tế.
Người dùng Nguyễn Thị Thu An cho hay: “Mình đã đặt villa Sầm Sơn của tư nhân trên Agoda và cũng bị như vậy. Đặt xong Agoda báo chờ chủ nhà báo lại và chủ nhà cũng báo huỷ, tự liên hệ riêng và giá cao gấp đôi so với giá trên trang”.
Tài khoản Annie Dang cũng chia sẻ: “Mình tháng trước đặt phòng ở Hội An qua Agoda cũng bị chủ nhà đề nghị huỷ và đặt trực tiếp với họ”.
Nhiều bình luận cho rằng, gặp những trường hợp như thế này nên đánh dấu 1 sao và gửi mail cho booking để họ làm việc với khách sạn.
“Làm ăn khôn lỏi như các chủ villa giờ nhiều, cứ đăng booking giá thấp đến khi có khách là huỷ để khỏi phải trả hoa hồng, gặp phải các khách sạn hay villa thế mọi người nên mạnh dạn report để loại khỏi các trang”, tài khoản Phương Uyên cho hay.
Còn Trần Thảo Nguyên chia sẻ: “Mình đi Hà Nội và Sapa cũng gặp trường hợp này. Cứ gọi điện hoặc mail cho Booking sẽ được hỗ trợ hoặc doạ chủ nhà sẽ báo cho Booking là họ sẽ sợ. Booking làm việc đường hoàng lắm, chỉ có chủ nhà lươn lẹo thôi nên đặt trên trang nào cũng có thể gặp chủ nhà như vậy”.
Theo kinh nghiệm của những người có kinh nghiệm đặt phòng trực tuyến thì nên chọn ứng dụng đặt phòng uy tín, phổ biến; tham khảo review của những người từng ở khách sạn đó trước. Qua các review sẽ biết dịch vụ, chất lượng khách sạn ra sao. Đừng nên chọn những nơi có điểm thấp, cũng đừng ham giá rẻ. Trước khi đặt phòng tham khảo giá phòng của các ứng dụng trực tuyến khác nhau để so sánh, nắm bắt mức giá phù hợp.
Khi đặt phòng, du khách nên truy cập vào website hoặc gọi điện đến khách sạn để kiểm tra lại thông tin. Tìm kiếm tên, địa chỉ khách sạn trên các trang tìm kiếm để xác thực thông tin.
Trước khi hoàn thành việc đặt phòng/vé, khách hàng cần đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng, bao gồm cả phí hủy và chi tiết các danh mục đã đặt; lưu giữ xác nhận đặt vé/phòng cho đến khi kết thúc chuyến đi.
Ngoài đặt phòng qua các trang ứng dụng trực tuyến, du khách có thể đặt phòng khách sạn thông qua các công ty du lịch uy tín để đảm bảo về chất lượng dịch vụ, giá cả.
Diệu Thuỳ