Nỗi sợ hãi của người đàn bà phải chấp nhận chồng "cứ say là xâu xé vợ"
![]() |
Mỗi lần say, chồng chị Xuân bắt chị phải phục vụ nhu cầu tình dục |
Chỉ sợ được mời ăn cỗ
Chị Xuân - người phụ nữ đã lập gia đình và sống cùng người chồng vũ phu ngót nghét 3 chục năm. Bản chất nóng nảy của ông chồng cộng với thói quen rượu chè đã biến cuộc sống của chị và các con thành địa ngục. Nhưng riết rồi thành quen, chị nghiến răng chịu đựng, coi “kiếp trước mắc nợ ông ấy nên kiếp này phải trả”, “đời mình coi bỏ đi, sống vì các con’.
Đến giờ chồng chị Xuân đã hơn 50 tuổi, càng nhiều tuổi, sức khỏe giảm sút thì mức độ và tần suất say rượu của người đàn ông này càng nhiều lên. “Khi còn trẻ tuần không dưới một lần say. Không nói ông ấy bảo khinh, còn mở mồm ra nói một câu, thậm chí một cái nhìn thôi thì bị cho là láo. Vơ được cái gì, ông ấy đập vào mặt tôi luôn. Giờ thì có tuần 3 lần say. Mà nông thôn thì lắm đám, cứ có ai đến mời ăn giỗ, hay ăn cưới là sợ lắm ”- chị Xuân kể lại.
Chị cho biết con cái chị rất sợ bố, tuổi thơ của chúng là những ký ức khi bố vác gậy đuổi mẹ, mang thau chậu để bố nôn ói sau những trận nhậu “không say không về”. Rồi những tiếng hò hét, chửi rủa, đập bàn ghế, bát đũa, dọa sẽ đốt nhà để mẹ con chị không còn chỗ ở. Thậm chí, một lần đứa con trai thứ hai thấy bố lèm bèm, chửi đánh mẹ sau khi say, nó lao vào can thế là chồng chị cầm dao định chém nó chỉ vì “mày dám láo”.
“Ông ấy hành hạ tôi thể xác, tinh thần thậm chí cả tình dục. Mỗi lần ông ấy say là lại đòi hỏi. Thậm chí vừa nôn xong lại xâu xé tôi. Giữa cái mùi nôn, mùi rượu trộn lẫn tôi buồn nôn nên không thể đáp ứng. Vậy là ông ấy vừa chửi, vừa xé rách hết quần áo của tôi” – chị Xuân buồn bã kể lại.
Khi tôi hỏi, sao chị chấp nhận sống hơn 30 năm với người đàn ông mà không thể nhìn đâu thấy điểm tốt, người đàn bà ấy lặng im hồi lâu rồi nói: “Tôi còn hai đứa con. Mà nghĩ đi nghĩ lại thì ông ấy vẫn là người tốt. Ngoài những lúc say ra, thì ông ấy vẫn chí thú làm ăn, vẫn đưa tiền về cho tôi nuôi các con ăn học. Thế nên, thôi thì đành phải thích ứng. Ông ấy chửi thì nhịn, đánh thì chạy… Những năm gần đây mỗi lần ông ấy đi uống rượu tôi thường để sẵn chậu nôn, nước uống, khăn rửa mặt ở cạnh giường rồi lánh sang nhà hàng xóm. Chờ ông ấy say hẳn, thiếp đi tôi mới về”.
Đừng cam chịu
Mặc dù trong những năm qua, nhiều vụ việc bạo lực gia đình được phát hiện; Nhiều chị em đã được các tổ chức đoàn thể hỗ trợ để không còn chịu cảnh bạo lực, thế nhưng các chuyên gia về giới vẫn cho rằng “số liệu thống kê về bạo lực gia đình vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”. Bởi trong xã hội vẫn còn không ít chị em chấp nhận bị chồng bạo hành như chị Xuân. Họ vẫn quan niệm “xấu chàng, hổ thiếp”, “nhà nào cũng có hũ mắm thối, người đàn bà phải biết che nó lại không để hàng xóm biết”.
Chính quan niệm ấy khiến cho những chị em này chấp nhận cuộc sống “địa ngục”. Đây là điều hết sức sai lầm, bởi nó không chỉ ảnh hưởng riêng người vợ/mẹ mà lên cả những đứa con. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu đứa trẻ lớn lên trong gia đình có bạo hành thì “thói quen” này sẽ được “di truyền” sang đứa trẻ.
“Chị em phụ nữ, đặc biệt là những nạn nhân bạo hành gia đình phải mạnh mẽ hơn nữa, phải hiểu rõ quyền của mình, đừng nghĩ là sự cam chịu của mình có thể giải quyết được vấn đề mà phải có sự trao đổi thẳng thắn”- bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) nhấn mạnh.
Theo bà Vân Anh, chị em đừng sợ rằng nếu mình cương quyết phản đối bạo lực thì sẽ ảnh hưởng đến tiếng tăm của gia đình và tương lai của con cái. Chị em không biết tự bảo vệ mình bằng cách lên tiếng thì rất khó để các tổ chức, đoàn thể (công an, hội phụ nữ…) vào cuộc.