Nỗi khổ của mẹ chồng, có ai hay?
Tôi tự hỏi, sự hy sinh của các mẹ chồng liệu đến khi nào các con mới thấu hiểu và trân trọng tình yêu thương của đấng sinh thành?
Cụm từ “mẹ chồng-nàng dâu” được nhắc tới đa phần đều chả mấy tốt đẹp. Khi nói đến mối quan hệ đó thì nhiều người lại nghĩ mẹ chồng chả ra gì toàn hành hạ con dâu. Nhưng đó đâu phải là tất cả, bởi giờ đây những người làm mẹ chồng không còn nhiều người sở hữu suy nghĩ cực đoan như vậy. Những người mẹ chồng mà tôi biết cũng đều là người tốt, đối xử với con dâu tốt, yêu thương con dâu thật lòng và hết lòng vì gia đình.
Bà Tình, gần nhà tôi, sống với vợ chồng con trai út. Bà góa chồng cũng đã 20 năm nay nên cuộc đời bà dành trọn cho các con. Khi cậu con trai út học xong, quyết định ở lại Hà Nội rồi lấy vợ, sinh con, bà khóa cửa nhà ở quê lên chăm sóc con và cháu.
Gần chục năm làm hàng xóm của gia đình nhà bà, tôi chưa hề thấy bà to tiếng với con dâu, cũng chưa hề thấy bà đi nói xấu con dâu. Bà chăm con, chăm cháu hết lòng. Dù sức khỏe không còn được như trước nhưng mọi việc trong nhà bà cũng thu xếp làm đỡ đần con để khi chúng đi làm về là có cơm nóng, canh ngọt, cháu được tắm rửa sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng ngăn nắp.
Nếu nhìn vào cuộc sống của gia đình bà thì ai cũng mừng vì đó là một gia đình hòa thuận. Nhưng mà thực lòng tôi vẫn thấy bà đăm chiêu, nỗi buồn phảng phất trên khuôn mặt già theo năm tháng. Gần đây có lẽ tuổi cũng cao, sức chịu đựng cũng kém hơn trước bởi càng có tuổi càng dễ tủi thân, mủi lòng, nên có lần bà buột miệng thở dài và nói với tôi: “đúng là muốn làm mẹ chồng tốt cũng không phải dễ. Tôi bằng tuổi này rồi, luôn cố gắng đối xử tốt với con dâu nhưng có lẽ con dâu vẫn chưa thực sự bằng lòng. Hàng xóm thì không thấy to tiếng nhưng mà thái độ của con dâu nhiều khi tỏ ra không tôn trọng tôi thì không phải là không có. Tôi cũng có lương hưu, cũng có tiền tiết kiệm, tôi không ăn bám con cháu mà còn giúp đỡ hết sức nhưng nhiều khi cứ cảm thấy như đang ăn nhờ ở đậu vậy”.
Ảnh minh họa: KT |
Nói đến đây dường như sự tủi thân dâng trào không kìm nén được, bà Tình sụt sịt “buồn lắm cô ạ. Gần này tuổi rồi mà tủi thân vì con. Hôm rồi nghe con dâu nói mà tôi như suy sụp. Nó bảo đi xem bói, thầy nói mẹ hưởng hết lộc của chồng nó nên giờ nó có kế hoạch sinh thêm 1 đứa nữa để mang lại lộc về cho chồng. Nghe đến đó mà uất nghẹn quá, đời thuở nhà ai đi nghe thầy bói phán rồi về như mọi tội lỗi đổ lên đầu tôi. Chắc tôi cũng ở thêm một thời gian cho con bé con đi học, tôi về quê sống cho thanh thản”. Nỗi lòng của mẹ chồng như bà Tình liệu con trai hay con dâu nào có hay.
Còn với bà Hoa, khi nói chuyện về gia đình con trai, nhắc tới con dâu bà lại khóc. Ông bà Hoa có nhà cửa đàng hoàng ở Bắc Giang. Nhưng theo con ra Hà Nội sống. Ngôi nhà vợ chồng con trai đang ở là do bố mẹ bên vợ mua cho hoàn toàn. Ông bà xuống ở cùng con trai, trông cháu, chăm nom gia đình. Ngôi biệt thự 3 tầng gần 200m2 nhìn thật lộng lẫy nhưng sao bà thấy đau lòng quá. Không phải ông bà không có tiền cho con trai mua nhà nhưng nhà cửa lại do con dâu quyết định. Con dâu bà nói được bố mẹ cho nên con trai bà không cần phải lo khoản tiền nhà cửa nữa. Tiền của ai cũng là của gia đình này. Bố mẹ ở đâu cũng được nhưng nên về ở với chúng nó. Ban đầu nghe vậy cũng mát lòng mát ruột lắm. Nhưng khi về chung sống mới thấy mẹ chồng mà như osin.
Nhà 3 tầng, ngày nào bà Hoa cũng quần quật dọn dẹp, từ sáng đến tối mịt mới ngơi tay. Con dâu bà nhất quyết không thuê người giúp việc, nó bảo nhà có mấy việc đâu với lại có vài mống thuê làm gì. Vậy là tất tần tật mọi việc từ lâu nhà, giặt đồ, nấu cơm rửa bát, đi chợ…tất cả đều là việc của bà Hoa. Nhiều khi mệt muốn nằm nghỉ ngơi nhưng nghỉ thì ai làm. Con dâu đi làm về là vào phòng riêng đóng cửa, đến bữa thì ra ăn chứ nó có để ý cơm cháo đã được nấu hay không. Con dâu bà cũng chả bao giờ để ý đến sắc mặt của bà để hỏi thăm một câu.
Không chỉ làm quần quật như osin, đến tiền đi chợ con dâu cũng không đưa. Nó coi việc ông bà có lương hưu và hiện đang ở nhà con thì đương nhiên ông bà phải chi phí khoản đó. Thi thoảng con trai có đưa biếu bố mẹ ít tiền nhưng nào có thông thênh gì. Với lại ông bà nói ra sợ con trai buồn. Bởi con ông bà chỉ là hơi vô tâm chứ cũng là đứa yêu thương bố mẹ. Sống trong cảnh đó, nhiều người bảo sao ông bà không về quê mà ở, tiền lương hưu của cả hai sống thừa thãi. Ngay như bản thân bà Hoa cũng hiểu điều đó nhưng mà nghĩ thương hai thằng cháu bé, biếng ăn không lỡ để người ngoài chăm sóc.
Đúng là cá chuối đắm đuối vì con. Mặc dù phải sống trong cảnh không thể nói ra nhưng những mẹ chồng như bà Tình hay bà Hoa đều một mực chịu thiệt để hy sinh vì con, vì cháu. Tôi tự hỏi, sự hy sinh của các mẹ chồng liệu đến khi nào các con mới thấu hiểu và trân trọng tình yêu thương của đấng sinh thành?./.
Bà nội kể chuyện và ru cháu xuyên lục địa
Nhà thiết kế áo dài Lan Hương, người mới được lên chức bà nội với sự ra đời của bé Sóc, đã làm sao để trực tiếp ru cháu xuyên lục địa?
Theo Hạ Lan/vov.vn