Nơi cả xã học bài theo tiếng trống
Thời gian đầu khi chưa có tiếng trống hiếu học, hội khuyến học xã và các nhà trường phối hợp với nhau tối tối đi từng thôn kiểm tra xem các em có học bài không, phụ huynh có bật ti vi, đài to không nhưng giờ giấc học tập không đồng đều.
Ông Phạm Xuân Phương đang chia sẻ thành tích học tập của xã |
Tiếng trống hiếu học được phát trên loa phóng thanh không dây của xã với 2 giọng đọc chính là nam và nữ. Đúng 19 giờ loa phóng thanh của xã phát nội dung của tiếng trống hiếu học “nhạc hiệu, 3 hồi trống tùng tùng tùng…., Hội khuyến học xã Nga Thạch xin thông báo bây giờ đã đến giờ học buổi tối, yêu cầu các em học sinh ngồi vào góc học tập của mình. Đề nghị các bậc phụ huynh vặn nhỏ ti vi, đài và nói chuyện nhỏ để các cháu học bài, xin chân thành cảm ơn”.
Giọng nam đọc trước sau đó giọng đọc nữ đọc lại một lần nữa, thời gian của thông báo chỉ kéo dài hơn 2 phút nhưng đã truyền đi một thông điệp đầy ý nghĩa giúp các em học sinh học ngày càng tốt hơn, tiếng trống hiếu học phát 6 lần trong tuần trừ tối thứ 7 để các em được giải trí sau 1 tuần học tập.
Ông Phạm Xuân Phương là thầy giáo về hưu. Năm 2000 ông nắm giữ chức vụ chủ tịch hội khuyến học của xã Nga Thạch cho đến nay, trước tình trạng học không đồng đều của địa phương ông đã tham mưu với chính quyền địa phương kết hợp với các nhà trường lập ra “Tiếng Trống Hiếu Học” để các cháu học sinh có thể tập trung vào công việc học tập chính của mình.
Theo ông Phương cho biết “khi tiếng trống hiếu học được phát trên loa phóng thanh của xã các thầy cô giáo và cán bộ khuyến học thôn được phân chia từng thôn đi kiểm tra xem các cháu đã vào bàn học chưa, và nhắc nhở những gia đình làm ồn việc học tập của các cháu".
Tiếng trống hiếu học đã thôi thúc tinh thần học tập của các cháu học sinh trong xã để đạt được kết quả cao, trong 5 năm qua xã có 1 học sinh giỏi quốc gia, 28 học sinh giỏi cấp tỉnh, 460 học sinh giỏi cấp huyện và 1494 học sinh giỏi cấp trường.Ông Mai Văn Ngần chủ tịch UBND xã Nga Thạch cho biết.“Từ khi tiếng trống hiếu học được phát động trên địa bàn xã, thành tích học tập của xã luôn luôn đứng trong tốp đầu của huyện, học sinh học tiến bộ hẳn, bác Phương là người đi đầu trong phong trào học tập của địa phương, tiếng trống ấy rất tốt trong nhân dân”.
Cô Mai Thị Hường hiệu trưởng trường tiểu học Nga Thạch: “Tiếng trống hiếu học là một phong trào tốt trong nhân dân và cả học sinh, nó như là liều thuốc của giáo dục, nhiều học sinh trong khi đang ăn cơm mà nghe tiếng trống thì bỏ cơm ngồi vào bàn học luôn, đến nỗi nhiều phụ huynh phải nhờ nhà trường nhắc nhở các cháu nếu đang ăn cơm thì cứ ăn xong rồi cả ngồi vào bàn học”