Nơi ăn ngủ của hàng trăm đứa trẻ sơ sinh phải xa mẹ vì Covid-19
Trung tâm Chăm sóc trẻ sơ sinh HOPE, Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM là nơi chăm sóc cho hàng trăm đứa trẻ sơ sinh đặc biệt có mẹ nhiễm Covid-19 đang cách ly hoặc thở máy, thậm chí đã qua đời.
Khánh thành trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Covid-19
Bệnh viện Hùng Vương đã thành lập Trung tâm H.O.P.E với mục đích hỗ trợ, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần cho các bé có mẹ bị nhiễm Covid-19 trong giai đoạn gia đình chưa thể đón về.
Hộ sinh Nguyễn Thị Thu Hồng - Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, những đứa trẻ ở đây có mẹ là bệnh nhân Covid-19. Bình thường các bé sinh ra đều được da kề da với mẹ, được gia đình đón về yêu thương nhưng đối với các bé có mẹ nhiễm Covid-19 phải chuyển ra Trung tâm HOPE theo dõi tiếp rất đặc biệt.
Thấu hiểu sự thiệt thòi của các bé nên các bảo mẫu đã dành cho các bé sự yêu thương vô bờ bến. Mình thấy phải có trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ các bé, phải làm sao cho bé an toàn. Không phải chỉ riêng cho bé ăn, thay tã mà các con cần sự yêu thương, sự vỗ về nữa. Các tình nguyện viên đều cố gắng trao tình yêu thương hết sức có thể của mình đến với các bé.
TS.BS Phan Thị Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm HOPE chia sẻ, thông tin của bé và người thân (mẹ) được ghi rất rõ không chỉ trên bảng tên gắn vào từng nôi, mà còn gắn thông tin vào lắc chân, lắc tay và khu vực đùi.
Theo TS Hằng, đây là vấn đề khá nhạy cảm nên phải đảm bảo chặt chẽ. Khi có người thân nhận, Trung tâm phải kiểm tra, đối chiếu rất kỹ lưỡng so với hồ sơ, thông tin, đủ sự trùng khớp, an toàn mới có thể trao trả cho người nhà.
TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, khi TP.HCM có đợt cao điểm dichh lần thứ 4, số ca Covid-19 là thai phụ nhiễm tăng mỗi ngày 30 – 40 thai phụ. Những đứa trẻ có mẹ nhiễm Covid-19 ra đời được cách ly tại khoa sơ sinh của BV Hùng Vương nhưng tình trạng cũng rất quá tải. Lúc đầu có thể kê thêm nôi, kê thêm giường nhưng vẫn không đủ.
Số trẻ xét nghiệm âm tính nhưng mẹ nhiễm Covid-19 ngày càng tăng. Dù đưa ra nhiều biện pháp để khuyến khích các gia đình tới đón cháu về nhà. Nhưng lúc đó, thành phố đang giãn cách theo chỉ thị 16+ nên việc đi lại của người dân khó khăn.
Nhiều hoàn cảnh khi mẹ nhiễm, ba mẹ và cả gia đình nhiễm nên không có điều kiện đón bé về nuôi.
Các bé đang được bảo mẫu chăm sóc. |
Những đứa trẻ sinh ra đủ ngày, đủ tháng, không có bệnh lý nhưng không có người nhà đón vì vậy khoa sơ sinh quá tải. Trung tâm HOPE đã ra đời từ đó, xây dựng trung tâm để những bé có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đưa ra để nuôi.
TS Tuyết tâm sự, những khoảnh khắc khó quên đối với các y bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên đó là những lúc bé được người thân đón về. Có những bà mẹ âm tính, khỏi hẳn Covid-19 tới đón con về. Những cảm xúc đó vô cùng xúc động bởi vì từ khi bé sinh ra chưa được mẹ ẵm bồng. Hay những bà mẹ từng phải thở máy được đón con, có lúc họ tưởng chừng mình không qua khỏi, tới đón con khoảnh khắc đó vô cùng xúc động.
PGS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế tới thăm các bé tại trung tâm. |
Hiện trung tâm có khoảng 40 tình nguyện và sự hỗ trợ từ phía trường Hoạ My 2 từ bảo vệ, hành chính… Các tình nguyện viên, bảo mẫu đều có đặc điểm chung hi sinh cuộc sống riêng và vào ở trung tâm 3 tại chỗ để chăm trẻ. Mỗi ngày họ sẽ làm theo ca 12 tiếng.
TS Tuyết tâm sự, nếu ai đã từng chăm trẻ sơ sinh sẽ biết được công việc của các tình nguyện viên vất vả như thế nào. Đây là sự hi sinh rất lớn của các bảo mẫu.
Hàng ngày mỗi buổi sáng các điều dưỡng sẽ sang tắm cho các bé vì nhiều bảo mẫu không tắm được cho bé. Các điều dưỡng sẽ đánh giá luôn bất thường sơ sinh để báo cáo chuyên môn. Nếu cần chẩn đoán chuyên môn bác sĩ khoa Sơ sinh sẽ sang thăm khám cho bé.
Các bé đang ăn sữa công thức, các y bác sĩ BV Hùng Vương hi vọng trong 2 tháng tới có thể hoàn thiện ngân hàng sữa mẹ để giúp các bé được nhiều hơn.
Khánh Chi