Những xe nào bị cấm trên tuyến đường xe buýt nhanh của Thủ đô?
Cấm xe taxi hoạt động trong giờ cao điểm
Ngày 19/12, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức giới thiệu thông tin về tuyến xe buýt nhanh Hà Nội từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã cũng như phương án tổ chức giao thông và tổ chức vận hành trên tuyến.
Các trục đường giao cắt với buýt BRT, xe taxi cũng được phép hoạt động. |
Đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, Ban quản lý Dự án đầu tư và phát triển giao thông đô thị đã cung cấp phương án tổ chức giao thông, hướng dẫn giao thông để vận hành thử nghiệm tuyến buýt BRT, chính thức được đưa vào khai thác từ ngày 1/1/2017. Qua đó, xe buýt BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn Ba La – Quang Trung – Lê Trọng Tấn, Hà Đông.
Đường trục Bắc Hà Đông – Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ - Giảng Võ – Nút Giang Văn Minh – Cát Linh, các đoạn không bố trí làn dành riêng, xe buýt BRT sẽ chạy chung với các phương tiện khác.
Nhằm hạn chế các phương tiện dọc hành lang di chuyển của xe buýt BRT, Hà Nội sẽ cấm toàn bộ xe khách, xe hợp đồng và xe tải, ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 500kg trở lên trong giờ cao điểm từ 6 - 9h sáng và chiều từ 16h30 - 19h30.
Cấm xe taxi hoạt động trong giờ cao điểm sáng từ 6-9h và chiều từ 16h30-19h30 trên các tuyến đường Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương, trừ các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người tàn tật được hoạt động bình thường. Các trục đường giao cắt với buýt BRT, xe taxi cũng được phép hoạt động.
Ở 2 cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Lương - Láng Hạ, sẽ cấm các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt trong giờ cao điểm sáng từ 6h - 9h và chiều từ 16h30- 19h30.
Vì sao đầu tư tuyến xe buýt nhanh chậm trễ
Các tuyến xe buýt nhanh BRT sẽ có giá vé 7.000 đồng/lượt và sử dụng loại vé như vé xe buýt thông thường. Theo kế hoạch, sẽ có 24 xe buýt nhanh BRT chạy với tần suất 358 lượt xe, từ 5h sáng đến 22h đêm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Nói về sự chậm trễ của Dự án, trưởng Ban giao thông, giám đốc Dự án Ngân hàng Thế giới cho biết: Do hành lang pháp lý dành cho việc vận hành buýt BRT bị thay đổi nên toàn bộ thiết kế của dự án cũng phải thay đổi theo.
Mặt khác, tốc độ phát triển của Hà Nội quá nhanh khiến cho các yêu cầu kỹ thuật dành riêng cho tuyến buýt nhanh BRT (như đi riêng ở làn bên phải) cũng mất thời gian thay đổi. Tuy nhiên, đây không phải sự chậm trễ bất thường mà là sự điều chỉnh để hướng đến một phương thức vận tải công cộng hiện đại và ưu việt hơn.
Bên cạnh đó, vị đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng hy vọng, với lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, người dân có thể triển khai vận hành tuyến Hà Nội BRT thí điểm một cách thuận lợi và hiệu quả nhất, mang lại loại hình vận tải khách công cộng mới, hiện đại góp phần nâng cao năng lực vận tải công cộng của Thủ đô.