Những vụ việc vặt vãnh “con cá, lá rau” lại xử lý nghiêm khắc
![]() |
Luật sư Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) |
Nhiều vụ việc vặt vãnh lại xử lý rất nghiêm khắc
Mới đây, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ huyện Củ Chi) 10 tháng tù, Ôn Thành Tân (18 tuổi) 8 tháng 20 ngày tù về tội “Cướp giật tài sản”. Cáo trạng xác định, trong thời gian được tại ngoại để điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản, Tuấn bỏ nhà đi lang thang. Khuya 17/10/2015 Tuấn gặp Tân, cùng chơi Internet tới sáng hôm sau thì rủ nhau đến nhà hàng ở quận Thủ Đức kiếm việc làm. Trên đường đi cả hai đói bụng, không có tiền nên bàn cách vờ mua đồ ăn rồi bỏ chạy. Khoảng 12h, chúng đến tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức). Tuấn hỏi mua một bịch chuối sấy, ổ bánh mì ngọt và 3 bịch me. Khi chủ quán bỏ tất cả vào túi nylon thì cậu ta giật phăng, tăng ga bỏ chạy. Nghe chủ quán tri hô, hai người đàn ông gần đó đuổi theo bắt Tân và Tuấn giao công an. Số hàng bị cướp giật có giá 45.000 đồng.
Trao đổi với phóng viên Infonet bên lề Quốc hội về việc này, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa yêu cầu Tòa án Nhân dân TP.HCM xem xét lại vụ việc 2 thanh niên ở TP.HCM bị xử lý vì trộm bánh mỳ, là một quyết định hợp lòng dân và phù hợp với quy định của pháp luật. Ông Chiến nhấn mạnh: “Tòa án Nhân dân TP.HCM cần phải xem xét lại những vụ việc rất nhỏ nhặt trong xã hội mà có dấu hiệu liên quan đến vấn đề tội phạm”.
Ông Chiến nhận định, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy rằng rất nhiều vụ việc mà lẽ ra các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc để xử lý thật nghiêm và khẩn trương thì lại bị cho là khó và có những yếu tố này khác để chậm trễ xem xét hoặc không xử lý hình sự.
“Bên cạnh đó, những vụ việc như là trộm cắp “cái mũ, cái bánh mỳ, con cá lá rau” là những vụ việc vặt vãnh thì lại xử lý rất nghiêm khắc. Đặc biệt là vụ việc xử lý 2 thanh niên chưa thành niên trộm bánh mỳ vừa qua ở TP.HCM. Trong khi các em chưa thành niên, chưa đến tuổi trưởng thành mà phạm tội thì nhà nước ta đã có chính sách pháp luật, đường lối xử lý riêng đối với những người này. Cụ thể, đối với những vị thành niên phạm tội thì đáng lẽ ra phải có những biện pháp giáo dục để giúp đỡ họ phát triển lành mạnh trở thành người có ích cho xã hội hơn là việc đưa họ vào nhà tù để có những biện pháp trừng trị nghiêm khắc” – ông Chiến nhấn mạnh.
Ông Chiến cũng cho rằng, đây là vụ việc thuộc về trật tự xã hội nên cũng cần thiết để xem xét xử lý. Nhưng việc đảm bảo trật tự an ninh xã hội phải phù hợp với từng đối tượng, đối với tính chất từng vụ việc để qua đó có hình thức xử lý, hình phạt phù hợp. Qua đó có những hình phạt phù hợp không nhất thiết, cụ thể trong trường hợp 2 thanh niên trộm bánh mỳ ở TP.HCM thì không nhất thiết cứ tống giam vào tù tất cả.
Miễn xử lý hình sự 5 lãnh đạo Vinaconex là khiên cưỡng?
Trả lời câu hỏi "Vừa qua dư luận nhắc nhiều đến sự việc 5 lãnh đạo Vinaconex được miễn xử lý hình sự vì nhân thân tốt, điều này có hợp lý không?", ông Nguyễn Văn Chiến cho rằng: "Qua thông tin trên phương tiện đại chúng, tôi thấy rằng dư luận rất quan tâm đến việc này. Để đánh giá xem xét một hành vi sai phạm phải căn cứ vào con người cụ thể và hành vi gây ra".
“Trong trường hợp này, hành vi là cả một quá trình hệ thống và hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy, để đánh giá xem xét mức độ sai phạm đến đâu, có cần xử lý trách nhiệm hình sự hay không thì các cơ quan chức năng đã vào cuộc xem xét. Quyết định cuối cùng như thế nào thì cơ quan chức năng đã căn cứ vào nhiều yếu tố trong đó đặc biệt phải trên cơ sở quy định của pháp luật. Việc đình chỉ hành vi không xử lý hình sự cũng phải trên các căn cứ của pháp luật. Trong các trường hợp vừa qua, căn cứ vào yếu tố nhân thân, quá trình công tác mà miễn xử lý hình sự thì còn khiên cưỡng và chưa thực sự phù hợp” – ông Chiến nhấn mạnh.
Trên cương vị là một luật sư, ông Chiến cho rằng, Liên đoàn luật sư trước hết bảo vệ quyền con người, góp phần bảo vệ công lý. Công lý phải đảm bảo sự công bằng. Sự công bằng thể hiện chức năng riêng của mình. Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật như cơ quan điều tra, cơ quan viện kiểm sát và sau này là cơ quan xét xử thì trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra phải thu thập xử lý chứng cứ để đánh giá, xác định có phạm tội hay không, mức độ xử lý hay không xử lý. Sau đó, cơ quan viện kiểm sát giám sát việc tuân thủ pháp luật để đưa ra quyết định phù hợp.
“Khi quyền con người chưa được đảm bảo, khi đương sự, bị can cần đến sự hỗ trợ của luật sư thì cho dù họ có sai phạm hay không sai phạm, sai phạm ở mức độ nào thì luật sư chúng tôi cũng tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ để đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tôi cho rằng trước các ý kiến của cử tri, của dư luận thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét thấu đáo để có những quyết định trên cơ sở pháp luật, đảm bảo công lý hợp với lòng dân” – ông Chiến nói.