Những sai lầm khi sử dụng thớt có thể rước bệnh vào thân
Thớt là 1 vật dụng không thể thiếu trong căn bếp. Tuy nhiên, rất nhiều bà nội trợ mắc những thói quen sai lầm khi sử dụng thớt gây hại cho sức khỏe.
Thớt là 1 vật dụng không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Tuy nhiên, rất nhiều bà nội trợ mắc những thói quen sai lầm khi sử dụng thớt gây hại cho sức khỏe.
Những thói quen sai lầm khi sử dụng thớt
Dùng chung thớt cho cả thực phẩm tươi sống và rau củ
Ảnh minh họa
Vi khuẩn Salmonella là một tác nhân gây hại cho sức khỏe gia đình bạn thông qua các thực phẩm tươi sống. Loại vi khuẩn này sẽ khiến bạn bị buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy...hoặc nặng hơn là nhiễm trùng máu. Salmonella thường có trong các loại thịt gia cầm và sẽ bị tiêu diệt khi gặp nhiệt độ sôi. Vì thế nếu bạn dùng thớt để thái thịt và tiếp tục dùng nó để thái rau củ quả ăn liền như salad, hành lá...các vi khuẩn sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể bạn một cách dễ dàng.
Để tránh tình trạng đó xảy ra, bạn cần phải sử dụng riêng thớt thái đồ tươi sống và thớt dành cho rau củ. Phải ngăn chặn những con đường mà vi khuẩn có thể đến gần bạn và gia đình bạn!
Ảnh minh họa
Dùng nước rửa chén để vệ sinh thớt
Chắc hẳn nhà nào cũng dùng nước rửa chén thông thường để vệ sinh thớt cho tiện lợi. Thớt được sử dụng hằng ngày để cắt nhiều loại thực phẩm như thịt sống, thịt chín, trái cây, rau củ… Lượng vi khuẩn tích tụ trên thớt rất lớn .
Do đó, nếu chỉ dùng nước rửa chén thông thường vệ sinh, bạn có thể chỉ làm sạch vi khuẩn trên bề mặt thớt mà không loại bỏ được vi khuẩn ẩn sâu trong thớt, ngay cả khi bạn có pha nước rửa chén với nước ấm để vệ sinh thớt.
Ảnh minh họa
Bảo quản thớt sai cách
Sau khi sử dụng bạn nên vệ sinh thớt sạch sẽ, sau đó lau khô và treo thớt ở nơi khô thoáng để ngăn ngừa nấm mốc. Nếu cả năm bạn để thớt ở nơi ẩm mốc, thớt sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Khi sử dụng, tránh ấn dao quá mạnh khiến các vết dao hằn trên mặt thớt, tạo thành những khe hở cho vi khuẩn sống, đồng thời làm thớt nhanh cũ.
Trung bình tuổi thọ của một chiếc thớt chỉ từ 6-12 tháng, vì thế hãy thay thớt ngay nếu thớt nhà bạn đã dùng quá lâu rồi nhé!
Những cách làm sạch thớt hiệu quả
Ảnh minh họa
Làm sạch thớt bằng chanh và muối ăn
Pha một ít muối ăn với nước ấm, sau đó ngâm thớt trong nước muối ấm này trong vài phút rồi lấy thớt ra ngoài.
Cắt đôi quả chanh tươi, vắt nước cốt chanh đều khắp thớt, sau đó rắc muối hột lên mặt thớt rồi dùng vỏ chanh chà mạnh lên bề mặt thớt theo chuyển động tròn trong vài phút.
Cuối cùng, rửa thớt với nước sạch, dùng khăn vải hoặc khăn giấy lau khô bề mặt, phơi thớt cho ráo hẳn rồi mới đem đi bảo quản.
Dùng giấm ăn để làm sạch thớt
Dùng một chiếc khăn mỏng và đổ giấm lên. Lau thớt bằng khăn giấm cho thật sạch và rửa lại bằng nước sạch. Giấm là nguyên liệu thường hay có ở bếp nên dễ sử dụng và hiệu quả lại cao.
Dùng nước tẩy quần áo
Pha ½ muỗng canh nước tẩy với 750ml nước, khuấy đều rồi cho vào bình xịt, xịt dung dịch vừa pha trực tiếp lên bề mặt thớt để trong 10 phút rồi rửa kỹ lại thớt với nước rửa chén và nước ấm, lau khô và đem đi cất.
Với những lưu ý trên, hi vọng mọi người đã có thêm một số mẹo giữ căn bếp của mình luôn mới. Chúc các bạn sẽ có những chiếc thớt chắc bền và an toàn nhé!
Theo giadinhvietnam.com