Những quần đảo đang có tranh chấp chủ quyền tại Đông Á
Những quần đảo đang có tranh chấp chủ quyền tại Đông Á
Nhiều hòn đảo tại Đông Á có diện tích khá khiêm tốn, thậm chí nằm tách biệt với vùng đất liền của các nước và dân cư thì thưa thớt, nhưng trước những lợi ích chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên phóng phú, mà chúng đã trở thành những vùng đất “vàng”.
Quần đảo Takeshima/Dokdo
Quần đảo Takeshima/Dokdo là khu vực tranh chấp giữa 2 nước: Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nó là một chuỗi đảo trong vùng biển Nhật Bản. Seoul gọi chuỗi đảo này là Dokdo, còn Tokyo gọi là Takeshima.
Nhật Bản đã tuyên bố chủ quyền với quần đảo Takeshima/Dokdo vào năm 1905 trước khi nó được sát nhập vào Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, Hàn Quốc lại cho rằng quần đảo này thuộc chủ quyền của Hàn Quốc khi nước này tuyên bố độc lập năm 1945.
Quần đảo Takeshima/Dokdo từng trở thành điểm nóng sau khi Hàn Quốc từ chối cho phép các nhà lập pháp Nhật Bản vào nước này do họ đã có kế hoạch ra thăm hòn đảo gần nhất với chuỗi đảo tranh chấp.
Căng thẳng cũng từng bùng phát vào hồi tháng 1/2011 khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng của một tàu cá Hàn Quốc khi nó đang hoạt động trong vùng lãnh thổ tranh chấp.
Đảo Yeonpyeong
Đảo Yeonpyeong là vùng tranh chấp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Đảo Yeonpyeong nằm về phía Hàn Quốc thuộc Đường giới tuyến phía Bắc (NLL) của biển Hoàng Hải, đóng vai trò như một biên giới trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Triều Tiên lên tiếng phản đối NLL (cũng như tuyên bố chủ quyền của Hàn Quốc đối với hòn đảo) bởi đảo Yeonpyeong được Liên Hợp Quốc chỉ định sau khi Triều Tiên và Liên Hợp Quốc không đạt được thỏa thuận về đường biên giới.
Đảo Yeonpyeong nằm cách đất liền Triều Tiên 8 dặm nhưng Hàn Quốc lại tuyên bố chủ quyền trên hòn đảo này.
Những căng thẳng xung quanh việc tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này đôi lúc lại leo thang. Điển hình, vào năm 2010, 2 cuộc đọ súng đã nổ ra và gây thương vong. Vụ đầu tiên, Triều Tiên bất ngờ nã pháo lên đảo Yeonpyeong và lần thứ 2, nước này bị cáo buộc bắn chìm một tàu hải quân của Hàn Quốc.
Trong khi đó, các cuộc tập trận quân sự của cả Triều Tiên và Hàn Quốc đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Quần đảo Nam Kuril
Quần đảo Nam Kuril là vùng tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga.
Vào năm 1945, Liên Xô cũ đã chiếm đóng 2 đảo Etorofu, Kunashiri và hai hòn đảo nhỏ Shikotan và Habomai.
Theo tuyên bố của Liên Xô cũ, những đảo này là một phần của quần đảo Kuril, được trao cho Liên Xô theo các hiệp định Yalta và Potsdam sau Thế chiến thứ Hai và chính phủ Nga cũng đã công nhận chính sách này.
Trong khi, Nhật Bản cho rằng các đảo trên là một phần thuộc lãnh thổ Nhật Bản, trước đây đã bị Liên Xô chiếm giữ bất hợp pháp.
Theo các chuyên gia, cả Nhật Bản và Nga chưa bao giờ ký kết một hiệp định hòa bình chính thức sau Thế chiến thứ Hai do những tranh chấp về quần đảo Kuril. Lâu nay, Mỹ vẫn là nước ủng hộ việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Kuril của Nhật Bản.
Vào năm 2010, sự rạn nứt trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước lại một lần nữa bùng phát sau khi Tổng thống Nga - Dmitry Medvedev tới thăm quần đảo Kuril.
Quần đảo Diaoyu/Senkaku
Quần đảo Diaoyu/Senkaku thuộc khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
8 hòn đảo thuộc quần đảo Daioyu/Senkaku là những hòn đảo khô cằn thuộc đông bắc Đài Loan. Hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Daioyu/Senkaku chỉ dài hai dặm và rộng chưa tới một dặm.
Vùng lãnh thổ này vô cùng quan trọng bởi những vùng biển xung quanh quần đảo có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí tự nhiên và cả nguồn thủy sản phong phú.
Trước đây, quần đảo Daioyu/Senkaku được kiểm soát bởi Đài Loan – một phần lãnh thổ của Trung Quốc nhưng đã bị Nhật Bản chiếm giữ trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật.
Mặc dù, Đài Loan đã được trao trả lại cho Trung Quốc sau Thế chiến thứ Hai nhưng chưa có bất cứ cơ sở pháp lý nào được thiết lập cho quần đảo này.
Những lợi ích xung quanh quần đảo đã bị thay đổi trong bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào năm 1969 khi cho rằng quần đảo Diaoyu/Senkaku và các vùng biển xung quanh có thể chứa trữ lượng dầu khá lớn.
Mỹ và Nhật đã ký kết một hiệp ước trao trả Okinawa và quần đảo Diaoyu/Senkaku cho Nhật Bản kiểm soát vào năm 1971, bất chấp việc Trung Quốc phản đối kịch liệt hiệp ước này.
minh thu