Những người sống giản dị, dành cả gia sản hồi sinh rạn san hô ở Đà Nẵng

Nhiều năm qua, anh Lê Chiến cùng đồng đội của mình miệt mài hồi sinh những rạn san hô ở Đà Nẵng.

Nhóm Sasa của anh Lê Chiến được nhiều người ở Đà Nẵng biết đến như biệt đội “anh hùng” của biển cả. Họ dành hết tâm sức, tiền bạc để hồi sinh san hô, giải cứu những sinh vật biển không may bị thương, mắc cạn.

Anh Lê Chiến (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên nhóm Sasa. Ảnh NVCC

 Anh Lê Chiến (sinh năm 1984) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Trước đây, anh làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, chuyên nghiên cứu sâu về khoa học đại dương, thu thập dữ liệu về các rạn san hô. 

Anh Chiến kể, Sasa ra đời năm 2018, sau lần anh tình cờ tham gia cứu hộ chú cá heo bị trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng. Anh lập nên nhóm tình nguyện mang tên Sasa, với mong muốn góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt đội cứu hộ sinh vật biển.

Chỉ sau một tháng thành lập, nhóm đã tiếp nhận 16 trường hợp rùa biển, 8 trường hợp cá heo cần trợ giúp.

Trong những năm qua nhóm đã tiếp nhận cứu hộ hàng trăm trường hợp sinh vật biển gặp nạn. Ảnh NVCC

 Cũng từ đó anh quyết định chọn ở lại Đà Nẵng để sinh sống và gắn bó với công việc giải cứu sinh vật biển, hồi sinh các rạn san hô bị hư hại.

Trong 5 năm hoạt động, nhóm Sasa đã cứu hộ hàng trăm trường hợp rùa biển, cá heo và hàng chục nghìn m2 rạn san hô.

“Đặc biệt, năm 2022 được coi là một năm thành công của Sasa khi cấy được 70.000 cành san hô, tái tạo được rạn san hô có diện tích khá lớn khoảng 40.000m2. Chúng tôi bắt đầu tái tạo rạn san hô ở khu vực bãi Bụt cách đây 2 năm. Sau 2 năm, kết quả tái tạo rạn ngoài mong đợi. Rạn san hô hồi phục, phát triển rất tốt.

Trường hợp cứu hộ sinh vật biển, trong năm qua, nhóm đã cứu hộ được 5 trường hợp rùa biển, 2 trường hợp cá heo. Số lượng cứu hộ sinh vật biển giảm dần qua từng năm. Đối với chúng tôi đấy lại là một tín hiệu mừng. Bởi những sinh vật gặp nạn mà chúng tôi tiếp nhận thường là ăn phải rác thải nhựa và do tác động của con người”, anh Chiến nói.

Nhóm Sasa khôi phục được số lượng san hô sừng hươu tại bãi Bụt. Ảnh NVCC

 Bên cạnh đó, nhóm kêu gọi chiến dịch chung tay của cộng đồng để triển khai được vườn ươm con giống san hô hơn 30 loài, thuộc 20 chi để áp dụng tái tạo rạn trong tương lai, bảo tồn nguồn gen san hô.

Anh Chiến tâm sự, dưới tác động của con người, du lịch tự phát, môi trường…, rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà bị tổn hại nghiêm trọng. Do đó, việc tái tạo, giữ gìn bảo vệ rạn san hô là việc làm cấp bách.

Sống tiết kiệm, dành tiền nuôi dưỡng san hô

Nhóm Sasa hiện có 6 thành viên hoạt động thường xuyên. Mỗi người một công việc khác nhau, người làm kinh doanh, kế toán, làm phim… nhưng đều có chung tình yêu với biển.

Mỗi ngày, các thành viên phải bơi 10-30km, ngụp lặn 6-8 tiếng dưới nước với độ sâu 8-10m. Công việc của nhóm là đưa những cành san hô bị gãy, gắn chúng vào giá thể sau đó cấy vào rạn san hô.

Bên cạnh đó, nhóm thường xuyên theo dõi, bảo vệ san hô bằng cách loại bỏ những tấm lưới ma, rác thải nhựa.

Gỡ lưới ma, một công việc thường ngày của nhóm Sasa để bảo vệ rạn san hô, giữ gìn biển xanh. Ảnh NVCC

 Anh Chiến cho biết, công việc này khá kén người. Nhiều người muốn được tham gia nhưng do đặc thù công việc vất vả, nguy hiểm nên anh không dám nhận.

Ngoài tình yêu, niềm đam mê là những kỹ năng bắt buộc về bơi lặn, thể lực, kiến thức về sinh vật học đại dương. Tất cả thành viên đều phải trải qua quá trình huấn luyện kỹ càng bởi chỉ một sai sót nhỏ dưới biển cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, trả giá bằng cả tính mạng.  

“Một trong những công việc nguy hiểm nhất đó là gỡ lưới ma. Vừa phải làm sao gỡ lưới nhưng không làm tổn hại san hô, vừa phải xem trong lưới ma có những sinh vật nguy hiểm như rắn biển, cá mặt quỷ, san hô mềm… hay không”, anh Chiến chia sẻ.

Dù là người có nhiều kinh nghiệm nhưng bản thân anh cũng đã từng gặp trường hợp nguy hiểm khi gỡ lưới bị vướng phải lưỡi câu cá ngừ. Lưỡi câu đâm xuyên ngón tay. Tấm lưới quá nặng, kéo anh Chiến xuống đáy biển. 

Sasa đã hoàn thành vườn ươm con giống san hô với hơn 30 loài. Ảnh NVCC

 “Rất may là tôi luôn mang theo dụng cụ để gỡ lưới. Nếu lúc đó không có chiếc kéo để cắt cước thì có lẽ tôi đã bỏ mạng” anh Chiến nhớ lại.

Bên cạnh đó, các thành viên phải có khả năng làm việc nhóm. Ở dưới đáy biển, các thành viên phải dùng ký hiệu để trao đổi với nhau. 

“Đôi khi chúng tôi giao tiếp với nhau bằng ánh mắt. Nhiều năm làm việc cùng nhau, chúng tôi dường như thuộc từng hơi thở của nhau, sống với nhau như một gia đình”, anh Chiến nói.

Anh Chiến tâm sự, chi phí để tái tạo rạn san hô rất tốn kém. Để cấy 1 cành san hô mất từ 150.000-250.000 đồng. Số tiền mỗi năm tiêu tốn hàng tỷ đồng. Trong đó, 90% kinh phí do nhóm tự trang trải, một phần từ việc kêu gọi cộng đồng. Nhiều thành viên trong nhóm làm 2-3 công việc, người thì làm cật lực 6 tháng mùa đông, tích tiền để dành hẳn 6 tháng mùa hè cho biển.

San hô phát triển tốt trên các giá thể. Ảnh NVCC

 Mặc dù phải bỏ ra chi phí lớn nhưng trưởng nhóm Sasa cho biết, nhóm không có xu hướng kêu gọi tài trợ. Ngay từ đầu, nhóm xác định hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức nào.

“Chúng tôi không phải là những người có nhu cầu về tích luỹ. Chúng tôi chọn lối sống giản dị, không có nhu cầu nhiều về ăn mặc, đi lại, để dành dụm tiền cho công việc này.

Nhà tôi cũng chẳng có ti vi. Mấy anh em đi làm về, nấu cơm, uống với nhau lon bia, trao đổi với nhau về vấn đề của ngày hôm nay, cần lưu ý, rút kinh nghiệm gì, rồi kế hoạch ngày mai thế nào. Cuộc sống xoay vòng như vậy. Có nhiều người nhìn vào nói sao sống khổ thế nhưng chúng tôi thấy mình đang sống bình dị, đơn giản và hạnh phúc với những điều mình đang làm”, anh Chiến tâm sự.

Các thành viên của Sasa mỗi người một công việc nhưng đều có chung tình yêu với biển. Họ sẵn sàng hi sinh thời gian, công sức, tiền bạc cho biển cả. Ảnh NVCC

 Khi được hỏi có khi nào anh muốn dừng lại? Anh Chiến nói, anh không ngại vất vả, chỉ sợ 3-5 năm nữa, tuổi tác, sức khoẻ không cho phép anh đi lặn, tiếp tục công việc này.

“Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm cho đến khi nào không đủ sức nữa thì thôi. Điều tôi mong mỏi và vẫn đang cố gắng để thực hiện đó là nghiên cứu ra phương pháp tái tạo rạn san hô hiệu quả, chi phí rẻ để áp dụng rộng rãi trong tương lai”, anh Chiến bộc bạch.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Chiến cho biết, trong năm 2023, nhóm sẽ tái tạo rạn san hô ở Hòn Sụp, triển khai rạn nhân tạo phục vụ cho khai thác du lịch.

Bên cạnh đó, nhóm đang triển khai chiến dịch “Ban mai rực rỡ” tái tạo thảm muống biển nhằm chống xói lở, tạo không gian xanh cho bãi biển.

Diệu Thuỳ

Công nghệ sản xuất tạo nên nước uống Sữa trái cây mãng cầu vạn người mê

Chính quy trình và công nghệ sản xuất hiện đại đã tạo nên hương vị tự nhiên thơm ngon khác biệt cho thức uống từ mãng cầu mới của Tập đoàn TH.

Sức nóng Đô thị nghỉ dưỡng Sun Group tại Hà Nam chưa hạ nhiệt

Ngày 17/11, sự kiện giới thiệu dự án Sun Urban City với chủ đề “Sắc màu miền di sản” diễn ra tại Hà Nội thu hút hơn 700 nhà đầu tư và chuyên viên kinh doanh BĐS miền Bắc.

Khách nước ngoài 'đổ' về làng Vòng thưởng thức đặc sản nức tiếng mùa thu Hà Nội

Với những ai có tình yêu với mùa thu Hà Nội thì không thể không nhớ đến cốm làng Vòng - một món ăn, đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, nhất là với khách du lịch nước ngoài.

Giới trẻ trải nghiệm ‘siêu xanh, siêu xinh’ cùng Vinamilk

Với hơn 11.000 vỏ hộp sữa đổi trong 2 ngày hội Việt Nam Xanh, khách hàng nhận lại gần 600 phần quà xanh, 200 chậu cây và 30 vé đi tham quan trang trại được Vinamilk trao tặng.

Cán bộ, công chức đóng BHXH 15 năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ giữ nguyên lương hưu

Cán bộ, công chức không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, đóng BHXH đủ 15 năm trở lên, nếu tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu và được hưởng nhiều trợ cấp khác.

45 tuổi đóng BHXH về già vẫn có lương hưu?

Lao động tự do hơn 40 tuổi nếu tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thì đến tuổi nghỉ hưu vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.

Hàng ngàn quà tặng hấp dẫn chờ đón khách hàng SHB dịp sinh nhật 31 tuổi

Sổ tiết kiệm 310 triệu đồng, bộ cốc thương hiệu, ô cầm tay, áo mưa, hàng trăm ngàn voucher giảm giá cùng những lời cảm ơn dễ thương, thú vị là những hoạt động đặc biệt tri ân khách hàng của SHB nhân dịp kỷ niệm 31 năm thành lập.

Bất động sản Thủ đô - cuộc chuyển dịch sóng đầu tư từ tây sang đông bắc

Phía tây Hà Nội với vị thế trung tâm kinh tế - hành chính mới luôn giữ vị trí “quán quân” về nguồn cung và giao dịch trên thị trường bất động sản. Những năm gần đây, “cán cân” thị trường lại nghiêng về phía đông thành phố.

Quy định mới về chế độ thai sản cho nam giới khi vợ sinh con

Từ năm 2025, chế độ thai sản dành cho lao động nam khi vợ sinh con sẽ có những thay đổi.

Về ra mắt, chàng trai Thanh Hoá nói một câu khiến bố vợ tương lai bật khóc

Lời nói chân thành của người con rể tương lai khiến bố vợ xúc động ngay trong lần đầu gặp mặt.

Đang cập nhật dữ liệu !