Những lần khởi nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương: Từ anh công nhân vét mỡ bò đến cơ ngơi ô tô - bất động sản - nông nghiệp khổng lồ
Nếu ai đó cho rằng các tỷ phú đều sinh ra đã ở vạch đích thì điều đó chắc chắn không đúng với ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải.
Ông Dương với xuất thân bình thường như bao người khác đã vươn lên trở thành một trong 6 tỷ phú đô la của Việt Nam, được tạp chí Forbes công nhận.
"Chúng tôi ra Chu Lai cũng giống như bước qua một con sông mà hủy luôn cây cầu, tức là không có đường lùi. Ngày đó, tôi nói anh em trong công ty rằng, một là mình sẽ thành công và kéo dài đến 2018. Hai là mình sẽ chết tại Chu Lai, thất bại tại Chu Lai".
Đó là những lời gan ruột được Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương bộc bạch trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cách đây hơn 4 năm, về khoảng thời gian ông cùng các đồng sự ra Chu Lai xây dựng Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô.
Chu Lai - nơi “cát trắng, thiếu điện, thiếu nước, đêm ếch nhái kêu” - là một lựa chọn sống còn đầy khó khăn, trong rất nhiều khó khăn và thiếu thốn khác trên con đường lập thân của vị doanh nhân "từ tay trắng thành tỷ phú".
"CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN CỦA TÔI LÀ CÔNG NHÂN SỬA Ô TÔ, VÉT MỠ BÒ"
Xuất phát điểm của ông Trần Bá Dương trên thương trường có thể xem là thấp. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó với 8 người con, mồ côi cha, ông Dương phải đi làm kiếm tiền từ sớm. Vượt lên hoàn cảnh gia đình, ông Dương vẫn thi đậu và tốt nghiệp đại học Bách Khoa, là tiền đề mở ra cánh cửa sự nghiệp gắn liền với cơ khí - ô tô của ông sau này.
"Tôi lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ tôi bươn chải nuôi anh em tôi ăn học. Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP HCM, tôi xin làm công nhân sửa chữa ô tô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò", ông nhớ lại.
Nhờ kiến thức tại trường đại học, ông Dương đưa ra dự án "Chuyển đổi tay lái nghịch", dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận nên công ty đã giao cho ông làm quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán. Từ đây, ông có điều kiện tích lũy và đến năm 1997, ông xin nghỉ để thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình.
Năm 1997 cũng chính là lúc Công ty ô tô Trường Hải được thành lập. Tên gọi của công ty được đặt theo tên con trai ông Dương: Trần Bá Trường Hải.
Ban đầu, Trường Hải chỉ buôn bán ô tô nhưng đến năm 2000, công ty bắt đầu lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA, để rồi những năm sau đó tiếp tục bắt tay với Mazda và Peugeot.
Sang năm 2001, Trường Hải chính thức tung ra sản phẩm đầu tiên của dòng xe tải nhẹ và đã được thị trường chấp nhận, đặt hàng rất lớn.
Tháng 3/2003 đánh dấu bước đi quan trọng và có phần "liều" với ông Trần Bá Dương, khi ông cho khởi công xây dựng Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai. Khu liên hợp này được hoàn thành vào cuối năm 2004, lắp ráp các dòng xe tải, xe bus. Trong khoảng thời gian này, Trường Hải còn thành lập Công ty Tàu biển Chu Lai - Trường Hải với 2 chiếc tàu Truong Hai Star I và II để chủ động vận chuyển vật tư, thiết bị từ nước ngoài nhập về, để sản xuất và lắp ráp ô tô.
Một trong những lý do quan trọng để ông Dương chọn Chu Lai là vì vấn đề nhân lực. Theo ông Dương, con người ở Chu Lai sống trong môi trường đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt nên rất chịu khó làm việc và rất sáng tạo. Đây là những đức tính phù hợp với ngành cơ khí và ô tô.
Sở dĩ ông Dương muốn tìm người siêng năng, chịu khó là bởi trước đó, tại Công ty ở Biên Hòa, ông Dương đã dày công đào tạo nhân sự nhưng rồi vì nhiều lý do, đa phần họ nghỉ hết. "Chuyên gia nước ngoài đến Chu Lai đào tạo 2-3 năm quay lại vẫn thấy nhân sự cũ ở đó. Họ có nói rằng chỉ có ở Chu Lai mới vậy, chứ các thành phố ở các nước trên thế giới, đào tạo một thời gian quay lại nhân sự có thể đi mất", ông Dương chia sẻ.
Dù đã có yếu tố con người, nhưng một doanh nghiệp non trẻ sẽ không thể thành công nếu thiếu vốn. Những đồng vốn cực kỳ quan trọng đã đến với Trường Hải vào năm 2008, khi Jardine Cycle và Carriage, một nhà phân phối xe hơi của Singapore, chi 77 triệu USD để mua 20% cổ phần của công ty.
Được rót vốn lớn, Trường Hải nhanh chóng mở rộng và tăng trưởng mạnh mẽ các năm sau đó. Để rồi đến năm 2014, Thaco chính thức vượt qua Toyota để trở thành doanh nghiệp bán nhiều xe nhất trên thị trường, và duy trì vị thế suốt từ đó đến nay.
Tuy nhiên, ông Trần Bá Dương còn muốn nhiều hơn thế. Ông Dương quyết tâm phải trở thành số một thị trường, vượt qua Toyota, nhưng phải vượt qua bằng chính doanh số xe con, chứ không phải cộng doanh số xe tải, xe bus.
Thaco chỉ mất thêm 2 năm để đạt được mong muốn này của Chủ tịch Dương. Năm 2016, Thaco bán được tổng cộng tới gần 113.000 xe, nắm 41,5% thị phần. Trong đó, doanh số Kia và Mazda là hơn 65.000 xe, bỏ xa Toyota năm đó bán được 57.000 xe. Các năm sau đó là cuộc rượt đuổi gay cấn giữa Thaco và Toyota, khi cả hai liên tục so kè với nhau trên thị trường. Năm 2020 vừa qua, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covdi-19, 3 thương hiệu xe của Thaco một lần nữa vượt lên với gần 76.000 xe, con số lớn nhất từ trước tới nay, trong khi Toyota là gần 71.000 xe.
CÚ RẼ NGANG BẤT ĐỘNG SẢN
Cách đây khoảng 5 năm, ông Trần Bá Dương từng chia sẻ vể con đường kinh doanh của mình qua 2 giai đoạn, mà mỗi giai đoạn có những tôn chỉ khác nhau.
Giai đoạn 1 được đánh dấu khi ông vừa mới ra trường, bắt đầu đi làm. Lúc đó, tôn chỉ là kiếm tiền để phụ giúp gia đình, nuôi sống bản thân, và lo được gia đình bằng năng lực của mình.
Giai đoạn 2 là khi đã nhận thức được rằng ta hạnh phúc khi ta đạt được thành công. Hạnh phúc là cảm giác biến giấc mơ thành hiện thực. Hạnh phúc là khi làm được những việc lớn, mang lại lợi ích, giá trị cho nhiều người, cống hiến lớn cho xã hội.
Bất động sản của ông Dương chính là một phần trong giai đoạn 2
Thời điểm năm 2013, nền kinh tế Việt Nam rơi vào đỉnh điểm của khủng hoảng, lạm phát cao, lãi suất ngân hàng lên đến trên 20%/năm, thị trường BĐS xuống đáy, đóng băng hoàn toàn, hầu hết các doanh nghiệp đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và bất động sản.
Lúc này, ông Dương nhận được sự giới thiệu và lời mời gọi của UBND Thành phố đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại thời điểm đó, mặc dù đã được giải phóng mặt bằng cơ bản nhưng Thủ Thiêm hoàn toàn bị hoang hóa, các công trình hạ tầng giao thông chính trong nội khu như 4 tuyến đường chính và kết nối Thủ Thiêm với Trung tâm thành phố, như cầu Thủ Thiêm 2, mặc dù đã được giao cho các doanh nghiệp nhà nước theo hình thức BT nhưng chưa triển khai gì nhiều, đang bị ngưng trệ và một số dự án BĐS mặc dù đã được giao nhưng đều rút lui.
"Khi đó, Thaco chúng tôi đã đánh giá là nếu đầu tư vào Thủ Thiêm thành công thì sẽ ghi dấu ấn đóng góp rất lớn vào phát triển Thủ Thiêm nói riêng và Thành phố nói chung. Đây cũng là một thách thức rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ phá sản nếu không thành công", ông Dương giãi bày.
Ông Dương kể lại, với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Thành phố là đầu tàu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và muốn có những công trình để đời sau này, cùng với sự mời gọi trọng thị và sự tin tưởng của Lãnh đạo Thành phố, Thaco và Đại Quang Minh đã quyết định nhận làm.
"Năm 2012, tôi nói với anh em ở Trường Hải, mình phải chinh phục mục tiêu khác: Vừa phát triển ngành nghề mới, vừa là phải làm ô tô thành công. Trả giá của tôi là nếu ô tô không thành công thì ảnh hưởng luôn Đại Quang Minh. Nếu Đại Quang Minh không tốt, ảnh hưởng qua Trường Hải là chết chùm luôn. Nhưng tôi dám dấn thân, đó là sự chinh phục", ông Dương nhận định.
Theo tỷ phú Dương, với tinh thần dám đối diện, vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội để phát triển, đến nay đã có một khu đô thị kiểu mẫu tại Thủ Thiêm. Đồng thời các hạ tầng mà Đại Quang Minh của ông Dương thực hiện như hệ thống đường bộ và cầu Thủ Thiêm 2 đã tạo ra giá trị rất lớn cho Thủ Thiêm.
"Tôi đã từng nói, các công trình hạ tầng giao thông mà chúng tôi xây dựng hay khu đô thị Sala mà chúng tôi thực hiện, chính là những hình mẫu nhất định nào đó trong thị trường xây dựng - bất động sản Việt Nam", ông Dương tự tin khẳng định.
"NÔNG NGHIỆP LÀ THỬ THÁCH CUỐI CÙNG CỦA CUỘC ĐỜI TÔI"
Nếu như ô tô là khởi nghiệp, bất động sản là những cống hiến, đóng góp cho xã hội, thì nông nghiệp lại là cái duyên giữa ông Dương và Bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai.
Khủng hoảng nợ nần đã khiến Hoàng Anh Gia Lai không thể gượng dậy và đầu năm 2018, Bầu Đức đã mời gọi sự giúp sức của ông Dương để cùng mình vực dậy Hoàng Anh Gia Lai trong lĩnh vực nông nghiệp và hoàn thành các dự án bất động sản tại Myanmar. Ông Dương cho rằng Hoàng Anh Gia Lai là một tập đoàn kinh tế với những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước nhưng vì điều kiện khách quan đã lâm vào tình cảnh khó khăn. Là một doanh nhân, ông hiểu được việc đối mặt những rủi ro do biến động thị trường là điều khó tránh khỏi và đi đến quyết định trợ giúp cho Bầu Đức.
Sau 2 năm đững ngoài hỗ trợ, mới đây Thaco đã quyết định mua lại công ty nông nghiệp của Bầu Đức, là Hoàng Anh Gia Lai Agrico.
Dưới góc nhìn của ông Dương, đơn giản đây chỉ là cuộc mua bán sáp nhập giữa 2 tập đoàn công ty Việt Nam. Quá trình này đã trải qua 2 năm và nó đọng lại những giá trị nhất định về mặt nhân văn, tình chia sẻ giúp đỡ.
"Đặc biệt, 2 doanh nghiệp đã cùng nhau phát triển, giúp nhau vượt qua những khó khăn gần như không thể vượt qua. Hướng đến cái mục tiêu chung của đất nước, làm sao có doanh nghiệp nông nghiệp mang tầm khu vực, là mẫu hình mang tính tiên phong đột phá và nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam", ông Trần Bá Dương phát biểu trong buổi nhậm chức Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Agrico.
Theo ông Dương, Hoàng Anh Gia Lai Agrico có tiềm năng rất lớn, nhờ quỹ đất khổng lồ lên tới 84.000ha và nếu thành công sẽ vươn lên tầm khu vực và thế giới. Ông Dương khẳng định, đây sẽ là thử thách cuối cùng của cuộc đời và ông tin rằng mình sẽ làm được.
Những lần khởi nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Từ thời du học đã buôn áo gió, làm mỳ tôm, tuổi 50 dồn lực sản xuất ô tô vươn ra thế giới
Không có thành công nào tự đến mà không phải đánh đổi bằng những cố gắng, kiên định, thậm chí mất mát, thất bại. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng không ngoại lệ, như ông từng nói "Mình nhạy hơn với thị trường. Mình 'ăn đòn' nhiều nên khôn hơn".
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị/Cafef