Những giải Nobel gây tranh cãi nhất trong lịch sử
Những giải Nobel gây tranh cãi nhất trong lịch sử
Nhân dịp công bố giải Nobel 2011 mới đây, tạp chí TIME đã điểm lại một số nhân vật được trao giải Nobel bị dư luận phản ứng dữ dội nhất. Điểm đáng chú ý là trong danh sách này là giải Nobel Hòa bình chiếm đa số.
Barack Obama
Bằng câu khẩu hiệu “Yes, we can” (tạm dịch: Đúng, chúng ta có thể), ông Barack Obama đã tạo ra được một làn sóng phấn khích mạnh mẽ trong dân chúng Mỹ để giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc chạy đua tới chiếc ghế Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đồng thời, chính khẩu hiệu này cũng đã đánh bật tất cả những ứng viên khác để đưa Barack Obama lên bục nhận giải Nobel vì Hòa bình chỉ đúng 12 ngày trước khi nhậm chức.
Theo lý giải của Hội đồng giải thưởng Nobel, ông Barack Obama đã được chọn bởi “những nỗ lực tuyệt vời trong việc củng cố ngoại giao quốc tế và liên kết mọi người”. Tuy nhiên, ngay sau khi thông báo này được công bố, tờ New York Times đã lập tức gọi đó là một quyết định “ngạc nhiên và kỳ cục” còn một loạt các ý kiến khác trên khắp thế giới thì tố cáo Ủy ban giải thưởng Nobel đã bị “chính trị hóa” bởi ông "chưa làm được gì cho hòa bình thế giới".
Cordell Hull
Có thể nói giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho Cordell Hull là giải thưởng gây tranh cãi và bị phản đối nhiều nhất trong lịch sử.
Năm 1954, Cordell Hull được trao giải Nobel Hòa bình nhờ vai trò tiên phong và quan trọng của ông trong việc thành lập tổ chức Liên Hợp Quốc. Những công lao của ông đối với Liên Hợp Quốc là không có gì phải bàn cãi nhưng có điều dư luận thế giới chưa thể quên được sự kiện “Cuộc khủng hoảng S.S. St. Louis” vừa xảy ra cách đó 6 năm. Khi đó, ông Hull là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống Franklin D. Roosevelt được giao nhiệm vụ giải quyết vụ 950 người Do Thái tị nạn dùng thuyền vượt biển trốn khỏi sự truy đuổi của Đức quốc xã. Họ cập biển Hoa Kỳ và xin được tị nạn. Bất chấp tổng thống Mỹ đã bày tỏ thái độ sẵn sàng tiếp nhận những người Do Thái này thì ông Hull lại nhất quyết phản đối, thậm chí là còn đe dọa sẽ không ủng hộ Franklin D. Roosevelt trong cuộc bầu cử sắp diễn ra. Ngày 4/6/1939, Tổng thống Mỹ ra quyết định từ chối tiếp nhận chiếc tàu chở người tị nạn và buộc nó phải quay trở về châu Âu. Kết quả là có tới hơn 200 người đã chết khi chiếc tàu gặp tai nạn tại vùng biển Holocaust.
Yasser Arafat
Đối với một số người, Yasser Arafat chỉ là một kẻ khủng bố nhưng với nhiều người khác, ông là một chiến sỹ dũng cảm và kiên trung chiến đấu cho tự do của đất nước Palestine. Dù quan điểm của bạn là thế nào thì Yasser Arafat vẫn là người đã chiến thắng tại giải Nobel Hòa bình năm 1994.
Giải thưởng này năm đó được trao cho 3 người là ông Arafat, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Bộ trưởng Ngoại giao Shimon Peres vì những nỗ lực của họ đã giúp cho Hiệp ước Oslo được ra đời và “mở ra những cơ hội cho sự phát triển mới, hướng đến một khu vực Trung Đông hòa hảo và ổn định”.
Những kẻ phản đối thì lên tiếng tố cáo ông Arafat là “người chuyên giấu mặt và kích động bạo lực ở Trung Đông” còn những người ủng hộ ông lại ca tụng hết lời và so sánh ông với nhà hoạt động chính trị lỗi lạc Nelson Mandela. Điều đáng tiếc là những nỗ lực của 3 người này trong Hiệp ước Oslo đã không thể thành hiện thực và Trung Đông ngày nay vẫn chìm đắm trong bất ổn.
Wangari Maathai
Là người phụ nữ châu Phi đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực đấu tranh đòi trao quyền cho người phụ nữ nông thôn Kenya trong việc quản lý rừng để góp phần giảm thiểu nạn phá rừng tại nước này.
Nhưng ngay sau đó, giải thưởng này của bà Wangari Maathai đã bị phủ bóng đen bởi phát ngôn cho rằng virus HIV/AIDS là sản phẩm do các nhà khoa học phương Tây phát triển nhằm “triệt tiêu” dân số châu Phi. Bà Maathai sau đó đã phủ nhận việc mình phát ngôn điều này nhưng trong một bài phỏng vấn trả lời tờ TIME, bà vẫn cho rằng “có người biết rõ nguồn gốc của chủng virus này từ đâu và chắc chắn nó không phải sinh ra từ những con khỉ”.
Sau khi được trao giải Nobel năm 2004, bà Maathai đã tham gia vào một số dự án môi trường và đã từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Môi trường Kenya.
Wangari Maathai qua đời hồi tuần trước ở tuổi 71.
John Forbes Nash
Chân dung của John Forbes Nash, một thiên tài nhưng bất hạnh đã được khắc họa một cách rất chân thực và trở nên nổi tiếng nhờ diễn viên Russell Crowe trong bộ phim A Beautiful Mind (Một tâm hồn đẹp). Ngay từ nhỏ, John Forbes Nash đã bộc lộ một tố chất siêu việt gần như không tưởng. năm 1994 ông đoạt giải Nobel Kinh tế nhờ vào một công trình nghiên cứu từ hơn 40 năm trước, khi ông là một cậu sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp trường đại học Princeton (Mỹ).
Tuy không ai phủ nhận những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu nhưng quyết định trao giải Nobel cho ông lại gây ra những sự phản đối mạnh mẽ bởi 2 lý do chính: ông đang mắc bệnh tâm thần và là một người theo chủ nghĩa “bài Do Thái” một cách khá quyết liệt. Năm 2002, trước khi lễ trao giải Academy Awards (Giải thưởng của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ - giải Oscar), những “xì xầm” về vết tích theo chủ nghĩa bài Do thái của ông lại nổi lên nhưng nhờ có sự “xử lý khéo léo” của các hãng phim nên bộ phim cùng tên A Beautiful Mind kể về cuộc đời ông đã chiến thắng với 4 giải Oscar.
Carl von Ossietzky
Là một người dám công khai lên tiếng ủng hộ chủ nghĩa hòa bình và phản đối trùm phát xít Hitler, Carl von Ossietzky đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1935 sau loạt bài báo nổi tiếng tố cáo Đức quốc xã đã cố tình vi phạm Hiệp định Versailles được ký kết trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất.
Ossietzky nhận được tin về giải thưởng Nobel trong khi vẫn đang bị giam giữ trong trại tập trung và đang vật lộn với căn bệnh viêm phổi trong bệnh viện dưới sự giám sát của mật vụ Gestapo. Khi đó, đã có nhiều người khuyên ông không nên nhận giải vì lo sợ cho sự an toàn của bản thân ông nhưng Ossietzky quyết định nhận giải. Hành động này đã khiến Hitler tức giận và ra lệnh cấm ông đi Oslo đồng thời còn ký một sắc lệnh cấm công dân Đức nhận giải Nobel. Chính sắc lệnh này đã khiến 3 nhà khoa học khác của Đức không thể nhận giải Nobel mặc dù sau đó họ vẫn được vinh danh nhờ những đóng góp cho thế giới khi Đại chiến thế giới II kết thúc.
Alexander Fleming
Thuốc kháng sinh penicillin được công nhận là khám phá quan trọng nhất của thế kỷ 20 tuy nhiên việc có đúng Alexander Fleming là người đã khám phá ra loại thuốc này hay không lại là vấn đề tranh cãi chưa có hồi kết, đặc biệt những tranh cãi này còn nổi lên mạnh mẽ hơn khi ông được trao giải Nobel Y học năm 1954.
Những người phản đối Fleming cho rằng đây là một hành vi “đạo khoa học trắng trợn" bởi vấn đề này đã được đề cập đến trong một nghiên cứu từ hồi những năm 1870. Fleming cũng thừa nhận việc ông khám phá ra penicillin chỉ hoàn toàn là do tình cờ. Tuy nhiên, dù đồng tình hay phản đối thì mọi người đều phải công nhận ông là người đầu tiên thành công trong việc chiết xuất thành công và sản xuất penicillin đại trà – loại “thần dược” đã cứu sống hàng triệu người trên khắp thế giới.
Harald zur Hausen
Việt đoạt giải Nobel Y học 2008 nhờ phát hiện ra chủng virus HPV, tác nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung có thể coi là điểm sáng trong cuộc đời của Harald zur Hausen. Tuy nhiên, ngay sau khi trao giải cho Harald zur toàn bộ Ủy ban giải thưởng Nobel đã bị liên đới khi cảnh sát chống tham nhũng Thụy Điển mở cuộc điều tra vào công ty dược phẩm AstraZeneca – một công ty sản xuất vaccin ngừa virus HPV, điều đáng nói là có tới 2 thành viên trong ủy ban xét chọn giải thưởng năm đó có cổ phần trong công ty này.
Mặc dù cảnh sát không đưa ra bất cứ một kết luận hay buộc tội nào nhưng điều đó không tránh khỏi việc dư luận cho rằng sở dĩ Harald zur Hausen đoạt giải Nobel năm đó là nhờ AstraZeneca tài trợ và tác động.
Henry Kissinger
Việc Ủy ban xét giải Nobel quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho vị Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hồi năm 1973 cũng là một vụ “lùm xùm" trong lịch sử của giải thưởng này bởi nhiều người cho rằng Kissinger chính là tác nhân chính dẫn đến chiến dịch ném bom Cambodia khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng.
Henry Kissinger (phải) và cựu Tổng thống Richard Nixon là những người bị dư luận trong và ngoài nước Mỹ lên án mạnh mẽ nhất vì đã phát động các chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam và Cambodia. |
Chưa hết, việc người được đề nghị đồng nhận giải với Kissinger là cố Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam – Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Paris, Lê Đức Thọ từ chối nhận giải do “hòa bình chưa lập lại trên quê hương Việt Nam” đã khiến Kissinger bị dư luận chỉ trích nặng nề. Cho đến ngày nay, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng giải thưởng Nobel Hòa bình của Kissinger chỉ là một “trò chơi chính trị” bởi lẽ việc mà ông ta làm đã không hề xảy ra cho đến tận tháng 4/1975.
Linus Pauling
Linus Pauling là 1 trong 2 người đi vào lịch sử của giải Nobel do đã được trao giải trên nhiều lĩnh vực khác nhau (người kia là nữ khoa học gia Marie Curie). Trong nửa đầu sự nghiệp của mình, Pauling được đánh giá là một nhà Hóa học hàng đầu thế giới, làm việc trong khá nhiều dự án nghiên cứu về vũ khí của quân đội Mỹ. Giải Nobel đầu tiên của ông này được trao cho những thành tích và nghiên cứu đặt nền móng cho ngành hóa nguyên tử - một điều kiện quan trọng dẫn đến sự ra đời của vũ khí nguyên tử.
Sau đó, Linus Pauling nhận ra sự nguy hiểm của công nghệ nguyên tử nên đã tham gia cùng với Albert Einstein và một số nhà khoa học hàng đầu thế giới khác phát động phong trào kêu gọi chấm dứt các vụ thử hạt nhân. Chiến dịch vận động của ông mạnh mẽ đến nỗi Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải tạm thời tước hộ chiếu để ông không thể hoạt động rộng rãi như trước. Cũng chính nhờ những hoạt động này mà năm 1962, Linus Pauling đã được trao giải Nobel Hòa bình.
Dẫu vậy, vẫn có nhiều kẻ khó chịu với Linus Pauling và chỉ trích mạnh mẽ giải thưởng này đồng thời gọi ông là “kẻ phát ngôn khờ dại của Đảng Cộng sản”. Những sự chỉ trích thậm chí còn bùng lên mạnh mẽ hơn khi năm 1970, Pauling đã đến Liên Xô để nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Lenin.
Trần Du Phong