Những điểm 'lạ lùng“ của "Chỉ số quốc gia về đóng góp cho nhân loại”
Bảng xếp hạng “Chỉ số tử tế quốc gia” của tác giả Simon Anholt, một nhà cố vấn chính sách độc lập, được công bố ngày 24/6 đã nhận được nhiều sự chú ý của các quốc gia có tên trong danh sách điều tra.
Bảng xếp hạng 5 quốc gia đứng đầu về "Chỉ số tử tế quốc gia". |
Theo tác giả chia sẻ trên website của bảng xếp hạng, ý tưởng của “Chỉ số tử tế quốc gia” khá đơn giản: Dùng để đo đếm mức độ đóng góp của các quốc gia trên trái đất vào lợi ích chung của nhân loại, và cái mà quốc gia đó lấy đi của thế giới.
Tác giả Anholt cho biết, bảng xếp hạng dựa trên 35 chỉ số, được chia thành 7 nhóm lĩnh vực, bao gồm: Đóng góp về khoa học công nghệ, đóng góp về văn hóa, đóng góp vào hòa bình và an ninh thế giới, trật tự thế giới, bảo vệ môi trường hành tinh, đóng góp vào sự phồn vinh và bình đẳng của thế giới, đóng góp về y tế sức khỏe. Các số liệu được tác giả lấy từ Liên Hợp Quốc và một số tổ chức quốc tế khác.
Tác giả Simon Anholt là một cố vấn chính sách độc lập có quốc tịch Anh. Ông thường làm việc để hỗ trợ một số quốc gia đưa ra các chiến lược tăng cường kinh tế, chính trị và văn hoá với các nước khác.
Ông là tác giả của một số các bảng xếp hạng khác mang tên mình như: Chỉ số thương hiệu quốc gia, Chỉ số thương hiệu các thành phố, Chỉ số thương hiệu các bang,...
Cùng tìm hiểu về "Chỉ số tử tế quốc gia" của Việt Nam tại link:Việt Nam đứng áp chót trong bảng xếp hạng “chỉ số tử tế”
Tác giả cũng nhấn mạnh, bảng xếp hạng không phải đánh giá về “đạo đức” của các quốc gia được điều tra, mà nhằm mục đích mong muốn các quốc gia trở nên tích cực hơn trong việc góp phần xây dựng những điều tốt đẹp cho thế giới.
Ý tưởng và nguyện vọng của tác giả được đánh giá cao. Tuy nhiên, một số chỉ số lại không hoàn toàn chính xác nếu so sánh giữa những con số và thực tại. Đặc biệt là bản danh sách (xếp hạng) này gần như không hề tính đến các vấn đề (yếu tố) nội địa của từng quốc gia khiến cho kết quả tổng thể trở nên khá buồn cười.
Điển hình nhất trong số các chỉ số được đưa ra để so sánh, bảng xếp hạng “chỉ số tử tế quốc gia” đã tôn vinh Ai Cập ở vị trí thứ nhất trong danh mục “Đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới”. Tuy nhiên, không ai không biết rằng, từ năm 2011 đến nay, Ai Cập luôn là một trong những điểm nóng bất ổn nhất của thế giới.
Chỉ trong vòng 3 năm, Ai Cập đã trải qua nhiều biến cố với 3 lần thay đổi nhà lãnh đạo. Tổng thống Hosni Mubarak buộc phải từ chức từ tháng 2/2011, mở đầu cho một cuộc “Cánh mạng Hoa nhài” đẫm máu. Tổng thống Mohamed Morsi do dân bầu cử lên nắm quyền cũng không tại vị được quá một năm. Ông và nhóm Anh Em Hồi giáo nhanh chóng bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính. Và hiện nay, cựu Tổng Tư lệnh quân đội Ai Cập - Abdul Fattah al Sisi đã chính thức trở thành tân Tổng thống Ai Cập và sau đó là hàng loạt các án tử hình với hàng trăm người thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo.
Với sự bất ổn đó, bảng xếp hạng đã đánh giá Ai Cập là quốc gia có nhiều đóng góp nhất cho hoà bình và an ninh thế giới có vẻ khá.. hài hước. Chưa kể, cuộc cách mạng ở Ai Cập đã lan rất rộng sang một số nước châu Âu khác, làm tình hình ổn định ở một số quốc gia láng giềng bị ảnh hưởng không hề nhẹ, cụ thể là Hy Lạp.
Theo “Chỉ số tử tế quốc gia”, Ai Cập đứng đầu nhóm điều kiện nói trên là bởi nước này có số lượng rất lớn binh lính tham gia Quân đội gìn giữ hoà bình của LHQ, có đóng góp nhiều cho ngân sách quân đội gìn giữ hoà bình của LHQ. Cũng theo bảng xếp hạng đánh giá, Ai Cập ít có xung đột vũ trang quốc tế, chỉ số xuất khẩu vũ khí ở mức cực kỳ thấp và mức an toàn internet được đánh giá rất cao.
So sánh giữa thực tế và các chỉ số xếp hạng của mục “đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới” cho thấy, có sự chênh lệch rất lớn giữa hiện thực và số liệu. Bảng số liệu đã thiếu mất mục đánh giá an ninh nội địa của từng quốc gia. Bởi việc giữ cho quốc gia ổn định là một đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự an toàn của toàn cầu.
Ngoài ra, bảng xếp hạng này còn đánh giá Cộng hoà Síp (Cyprus) xếp hạng 3 trong danh mục “đóng góp cho khoa học và công nghệ”, chỉ đứng sau Anh và Áo. Dễ dàng nhận thấy đây không phải là một mức xếp hạng đúng. Nếu chỉ dựa trên tỷ lệ đóng góp ở từng chỉ số trên tổng số GDP quốc gia, sẽ không công bằng cho các “ông lớn” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ khác.
Các chỉ số được xem xét trong danh mục này bao gồm: Số lượng sinh viên du học quốc tế, số lượng xuất khẩu văn hoá phẩm, số lượng các ấn phẩm quốc tế, giải Nobel và bằng sáng chế. Đáng chú ý, Israel thậm chí còn không có số liệu về số sinh viên du học nhưng vẫn được xếp hạng 5 trên tổng số 125 quốc gia trong mục này.
Quốc đảo Malta rộng chỉ 300km2 nhưng có đến 9 địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tuy nhiên, đây là cái tên khá xa lạ đối với thế giới. |
Không chỉ có các quốc gia kể trên, một cái tên lạ lẫm với hầu hết thế giới – Quốc đảo Malta – được xếp trên cả Anh, Đan Mạch, và nhiều nước khác để đứng thứ 3/125 trong danh mục “Đóng góp cho văn hoá thế giới”, chỉ sau Bỉ và Hà Lan. Quốc đảo Malta được đánh giá rất cao về chỉ số sản phẩm hàng hoá có tính sáng tạo, điểm tuyệt đối trong chỉ số dịch vụ có tính sáng tạo.