Những chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/9
Nhiều trường hợp được miễn phí thi hành án dân sự
Theo quy định tại Nghị định 62/2015/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực từ ngày 1/9/2015, người có khó khăn về kinh tế thuộc chuẩn hộ nghèo, được UBND cấp xã nơi cư trú hoặc làm việc xác nhận sẽ được giảm đến 80% phí thi hành án dân sự.
Người được hưởng chế độ ưu đãi có công với cách mạng; người thuộc diện neo đơn được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận; người thuộc diện tàn tật, ốm đau kéo dài, có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám, chữa bệnh cấp huyện trở lên xác nhận sẽ được miễn phí thi hành án dân sự.
Theo quy định tại nghị định, mức phí thi hành án được xác định dựa trên số tiền, giá trị tài sản thực nhận; bằng 3% nếu số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 2 lần lương cơ sở đến 5 tỉ đồng; bằng 150 triệu đồng cộng với 2% số tiền vượt quá 5 tỉ đồng nếu số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5 đến 7 tỉ đồng...
Trường hợp cơ quan thi hành ánh dân sự đã ra quyết định thi hành án và chứng kiến các đương sự thỏa thuận tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì mức án phí phải nộp bằng 1/3 các mức nêu trên.
Về chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự, cá nhân có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để sinh sống bình thường hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn và người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài; có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú hoặc có tóm tắt hồ sơ bệnh án được bệnh viện cấp huyện trở lên xác nhận sẽ được xét giảm 1/2 chi phí cưỡng chế thi hành án phải nộp.
Với người thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng, đã thi hành được ít nhất 1/2 chi phí cưỡng chế, có đơn đề nghị có thể được xét miễn chi phí cưỡng chế thi hành án còn lại.
Mức trợ cấp thất nghiệp bằng tối đa 5 lần lương tối thiểu
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 6 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%.
Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 6 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 6 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa: Không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định;
Hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/9/2015 và các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 1/1/2015.
Từ 1/9 nhiều chính sách liên quan đến người lao động sẽ có hiệu lực. |
Mỗi lao động được vay tối đa 50 triệu đồng để tìm việc làm
Theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực từ 1/9/2015, cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.
Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng (Thời hạn cụ thể do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận). Lãi suất vay vốn bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Chính sách đối với lao động dôi dư tại công ty Nhà nước
Ngày 22/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2015/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9/2015.
Theo đó, chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/04/2002 được hưởng nhiều chế độ ưu đãi như: Lao động nam từ đủ 55 đến 59 tuổi, nữ từ đủ 50 đến đủ 54 tuổi, tham gia BHXH từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
Ngoài ra, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi người lao động còn được trợ cấp 3 tháng tiền lương và 1 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
Trường hợp lao động nam trên 59 đến dưới 60 tuổi và nữ trên 54 tuổi đến dưới 55 tuổi, tham gia BHXH từ đủ 20 năm trở lên thì cũng được hưởng lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi. Đồng thời, được hỗ trợ 0,5 tháng lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.
Bộ trưởng được đi xe công không quá 1,1 tỷ đồng
Theo Quyết định 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/9/2015, ngoài Bộ trưởng, các chức danh khác như Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ; Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh… cũng sẽ được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác 1 xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe.
Ngoài ra, các chức danh Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao… được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác, không hạn chế mức giá.
Riêng với chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô không hạn chế mức giá kể cả sau khi đã nghỉ công tác. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện để thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng xe ô tô đó mà không được mua thêm xe mới.
Khám bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ vẫn được hưởng BHYT
Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế, Bộ Tài chính sửa đổi Khoản 5, Điều 13 của Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế.
Cụ thể, Thông tư số 16 sửa đổi nội dung: “Trường hợp cơ sở y tế quá tải, có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức Bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện” thành “Trường hợp cơ sở y tế có tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện”.
Như vậy, nội dung sửa đổi đã mở hơn so với quy định cũ, thay vì việc các cơ sở y tế quá tải phải tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ có thông báo trước cho bảo hiểm xã hội, người bệnh mới được hưởng BHYT thì quy định mới cho phép các cơ sở y tế được tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, lễ chỉ cần có thông báo trước cho BHXH, và người bệnh cũng được hưởng BHYT.
Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn; phải công khai và thông báo trước những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng khi tham gia BHYT. Người bệnh tự chi trả phần chi phí ngoài phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT.
Thông tư có hiệu lực từ 1/9/2015.