Những cái 'bẫy' chết người ở làng đại học
Hồ "tử thần"
Nhắc đến làng đại học Quốc gia TP.HCM, nhiều người sẽ nhớ tới địa danh hồ Đá ở khu vực này. Hồ Đá là nơi cướp đi mạng sống của hàng chục sinh viên, hầu như năm nào cũng có người chết đuối tại đây. Vì thế hồ này còn được gọi là “hồ tử thần”.
Trước đây, khu vực này là bãi khai thác đá, sau khi bị bỏ hoang thì tích tụ nước thành hồ lớn, bao quanh bởi nhiều mỏm đá. Do vị trí nằm gần làng đại học Quốc gia TP.HCM, nước trong xanh mát lạnh, lại có cảnh đẹp, thoáng mát nên hồ Đá là địa điểm thu hút sinh viên đến vui chơi.
Sinh viên phóng từ vách đá xuống hồ "tử thần" là cảnh thường thấy ở đây vào buổi chiều. |
Theo nhiều người dân, do là nơi khai thác đá nên bề mặt đáy hồ không bằng, có nhiều vực sâu; có thể chỗ này nước đến đầu gối nhưng cách đó vài bước là ngập đầu người. Đây là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên chết đuối do bước vào vực sâu bị hụt chân.
Phát hiện thi thể sinh viên chết đuối ở hồ Đá. |
Cướp giật, trộm cắp, côn đồ
Đêm 23/10, em Phạm Ngọc Nh. (20 tuổi, sinh viên trường đại học Kỹ thuật - Công nghệ TP. HCM) điều khiển xe máy chở bạn chạy trên đường nội bộ làng đại học Quốc gia TP.HCM, đến gần khu vực hồ Đá thì bị 3 người áp sát.
Sinh viên Nh. được cấp cứu tại bệnh viện sau khi bị dàn cảnh cướp ở khu vực hồ Đá. |
Nhóm này đạp ngã xe rồi rút dao lao đến tấn công đến khi Nh. ngã gục trên vũng máu. Bạn gái đi cùng tri hô rồi lao vào giải cứu Nh. cũng bị đâm trúng cánh tay. Sau khi gây án, 3 thanh niên cướp xe Nh. rồi tháo chạy. May mắn nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời.
Gần đây nhất, đêm 5/5, Nguyễn Thành Trung (22 tuổi, quê Long An, sinh viên trường trường đại học Kinh tế - Luật đại học Quốc gia TP.HCM) chạy xe máy về phòng trọ trong làng đại học thì bị 2 Danh Út Đẹt (25 tuổi) và Danh Vương (26 tuổi, cùng quê Kiên Giang) áp sát, dùng dao đâm liên tục vào người khiến Trung gục tại chỗ, rồi tẩu thoát về Kiên Giang.
Khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, Trung đã tử vong bởi 4 nhát dao trúng tim và động mạch. Danh Út Đẹt và Danh Vương sau đó đầu thú tại Kiên Giang và bị di lý về TP.HCM để điều tra. Theo lời khai ban đầu, do trước đó mua đồ tại một quán tạp hóa, Trung vô tình đạp lên chân Vương nên xảy ra cự cãi. Bực mình Vương và Út đẹt đã truy sát Trung đến chết.
Hiện trường sinh viên Nguyễn Thành Trung bị truy sát đến chết ở làng đại học. |
Với số sinh viên lên đến hàng chục ngàn tại làng đại học, nhưng KTX lại có hạn nên một phần không nhỏ sinh viên phải ở trọ bên ngoài và đối diện với nhiều nguy hiểm từ các đối tượng cướp giật, trộm cắp, xin đểu.
Do làng đại học là nơi giáp ranh giữa Q.Thủ Đức (TP.HCM) với thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) nên tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Các sinh viên ở trọ cho biết xung quanh làng đại học rất vắng về đêm, ít đèn chiếu sáng, các đối tượng trộm cướp, côn đồ lại manh động nên tình trạng trộm cắp, bị xin đểu thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, hiện nay mọc lên đầy quán nhậu, cà phê trá hình, cá độ bóng đá, số đề quanh làng đại học khiến sinh viên đã bất an lại càng lo lắng thêm.
Cống “tử thần” ở suối Nhum
Cái chết đau lòng của nữ sinh viên Đinh Thị Phương Thảo vào chiều ngày 8/7 tại đoạn cống suối Nhum, làng đại học Thủ Đức khiến thầy cô, sinh viên đau đớn.
Tại đoạn cống này từng xảy ra nhiều vụ nước cuốn người và xe máy, nhưng chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo làng đại học lại lơ là trong việc khắc phục dẫn đến cái chết thương tâm của Phương Thảo.
Cống suối Nhum, nơi xảy ra cái chết tức tưởi của sinh viên Phương Thảo. |
Theo anh Nguyễn Văn Hoàng và anh Lê Văn Ngọt (sống gần khu vực cống suối Nhum), cứ mỗi khi mưa to là nước tràn lên đường, bởi cống suối Nhum quá nhỏ. Vì thế người dân đi qua đây dễ bị dòng nước cuốn trôi. Anh Hoàng và Ngọt thường ra đây cảnh báo người dân, bạn sinh viên khi có mưa lớn và không biết bao nhiêu lần 2 anh nhảy xuống suối cứu người do bị nước cuốn. Khi cơ quan chức năng trục vớt chiếc xe máy của em Phương Thảo dưới lòng suối, thì phát hiện 4 chiếc xe máy khác bị chìm ở đây.
Cha của Phương Thảo - ông Đinh Thành Đang khóc hết nước mắt trong ngày vào TP.HCM nhận thi thể con gái. |
Trường Nguyên