Những "biệt thự tăm tre" mê mẩn khách hàng của chàng kỹ sư điện tử
Sinh ra và lớn lên tại Kon Tum, Lê Thành Sơn (SN 1988) xuống TPHCM học đại học với ước mơ trở thành một kỹ sư điện tử tự động. Nhưng khi ước mơ đó dần trở thành hiện thực thì chàng trai phố núi lại đột nhiên quay sang một con đường mới khi quyết định lập nghiệp từ… tăm tre.
Lê Thành Sơn và những sản phẩm của mình |
“Tình cờ mình xem được một clip của nước ngoài trên youtube hướng dẫn làm đồ lưu niệm bằng tăm tre và thực sự bị cuốn hút bởi những sản phẩm độc đáo đó” – Sơn chia sẻ về bước ngoặt trong con đường lập nghiệp. Cũng từ đó, gần như ngày nào Sơn cũng tìm kiếm và xem các clip hướng dẫn làm ra sản phẩm.
Vừa xem, vừa học và vừa làm nên những sản phẩm đầu tiên của Sơn chưa kịp hoàn thành thì đã… hỏng. Không bỏ dở sở thích, Sơn tiếp tục cặm cụi ngồi nghiên cứu và làm lại, rồi đến thời điểm những sản phẩm đầu tay của chàng trai trẻ hoàn thành nhưng vẫn chưa được ưng ý lắm. Ban đầu, những sản phẩm đó Sơn chỉ giữ cho riêng mình chứ không có ý định kinh doanh. Tuy nhiên, khi Sơn khoe với bạn bè thì nhiều người đã ngỏ ý muốn mua lại vì nó khá lạ. Sau khi suy nghĩ, Sơn đã quyết định bán sản phẩm đầu tiên của mình với giá 500.000 đồng và cũng từ đó, một ý tưởng kinh doanh mới xuất hiện trong đầu chàng kỹ sư tương lai.
Sau 5 năm, từ việc cặm cụi một mình trong căn phòng nhỏ, giờ đây Sơn đã thuê một xưởng rộng khoảng 40m2 và có thêm 2 người làm cùng với thu nhập đều đặn gần 10 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi ngày xưởng của Sơn có thể sản xuất 3 đến 4 sản phẩm theo đơn đặt hàng. Vào thời điểm lễ tết, nhu cầu tặng quà lưu niệm cao hơn, Sơn và 2 đồng sự phải thức trắng đêm để làm cho kịp đơn hàng. “Đây là công việc đòi hỏi tính kiên trì và sự tỉ mỉ cực cao, hơn nữa cũng chưa có nhiều người biết làm nên không thể thuê thêm người vào lúc cao điểm”- Sơn kể.
Sản phẩm của Sơn có giá giao động rất lớn, có những sản phẩm đơn giản chỉ khoảng 150.000 đồng dành cho các bạn sinh viên, nhưng cũng có những sản phẩm giá tới tiền triệu vì độ khó và cầu kỳ. Với những sản phẩm khó, nguyên liệu không đơn giản chỉ là tăm tre mà phải gồm cả những đồ vật khác như que kem, dây thép, thân cây… “Đây đều là đồ đơn giản nhưng tìm được đúng ý lại rất khó”- chàng trai trẻ chia sẻ.
Sau 5 năm, hiện nay Sơn đã tìm được chỗ đứng riêng khi lượng đơn đặt hàng vẫn ngày ngày tăng lên. Trước mắt, mục tiêu chính của Sơn là đưa đến tay khách hàng những sản phẩm ưng ý và giảm được giá thành. Sơn cho biết thêm, trong việc này nguyên liệu không đáng kể, nên muốn có giá tốt thì chỉ cần tập trung vào việc giảm giá công lao động. Hiện nay, chàng trai phố núi đang lên kế hoạch tập trung vào dạy nghề cho các bé khuyết tật để vừa giảm được chi phí sản xuất lại tạo được việc làm cho các em.
Dưới đây là một số sản phẩm làm từ tăm tre của Sơn: