Những bí mật chưa nói trong Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc
Những khoảng sáng
Trong Sách Trắng 2013, những tiết lộ của Quân đội Trung Quốc (PLA) được tiết lộ một cách rất cẩn thận và “vừa đủ” cho dù đó là những thông tin mà giới chuyên gia đều biết hay là những thông tin khẳng định khả năng răn đe hạt nhân và kiểm soát toàn bộ các lợi ích chiến lược trực tiếp của Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiết lộ cấu trúc các lực lượng đóng quân của mình.
- Về Lục quân (PLAA) gồm: 850.000 binh sĩ được biên chế thành 18 quân đoàn hỗn hợp và bố trí ở 7 quân khu: Quân khu Thẩm Dương (quân đoàn 16, 39 và 40); Quân khu Bắc Kinh (quân đoàn 27, 38 và 65); Quân khu Lan Châu (quân đoàn 21 và 47); Quân khu Tế Nam (quân đoàn 20, 26 và 54); Quân khu Nam Kinh (quân đoàn 1, 12 và 31); Quân khu Quảng Châu (quân đoàn 41 và 42); và Quân khu Thành Đô (quân đoàn 13 và 14).
- Về Hải quân (PLAN) gồm: 235.000 binh sĩ và được chia thành 3 hạm đội: Hạm đội Bắc Hải; Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải.
- Về Không quân (PLAAF) gồm: 398.000 binh sĩ và bố trí ở mỗi quân khu một tư lệnh Không quân.
- Lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc (Trung Quốc gọi là Lực lượng pháo binh số 2) –PLASAF, gồm lực lượng tên lửa hạt nhân, tên lửa thông thường và các đơn vị yểm trợ, nhưng tiếp tục bí mật các chi tiết về sức mạnh quân số hoặc triển khai. PLASAF sở hữu những khả năng răn đe hạt nhân chiến lược và được trang bị các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong và tên lửa hành trình Trường Kiếm (Long Sword). Điều này cho thấy lực lượng này đóng vai trò trung tâm trong PLA, trong bối cảnh Mỹ đã và đang cho triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và xuất hiện các loại vũ khí thông thường có khả năng vô hiệu hóa các loại tên lửa chiến lược của Trung Quốc.
Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc cũng đề cập đến đơn vị liên binh chủng di động lớn của lực lượng Lục quân cũng như sự tồn tại của các lữ đoàn độc lập thực hiện các nhiệm vụ mới bên ngoài lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc cho biết, những lực lượng mới này được thành lập nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong việc “kiểm soát lãnh thổ” ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Lực lượng này được trang bị các thiết bị cơ khí có khả năng vận chuyển bằng đường không, có quy mô nhỏ thích hợp với các “hoạt động tầm xa trên không và trên mặt đất, có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng và các chiến dịch đặc biệt”.
Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc 2013 cũng xác định các đối thủ tiềm năng trên đấu trường châu Á và trực tiếp cáo buộc Mỹ và Nhật Bản “khiêu khích quân sự”. Sách Trắng tái khẳng định chiến lược “phòng thủ chủ động” và quyết tâm đáp trả trong trường hợp bị tấn công, đồng thời nhắc lại những “ý định hòa bình” của Trung Quốc.
Cuối cùng, Sách Trắng 2013 miêu tả các cuộc tập trận quốc tế của PLA với cường độ ngày càng cao trong một nỗ lực nhằm hiện đại hóa quân đội và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Từ năm 2002, PLA đã tiến hành 28 cuộc tập trận cùng 34 khóa đào tạo, huấn luyện chiến đấu với 31 quốc gia, đặc biệt từ năm 2005, PLA đã có 9 tập trận về chủ đề chống khủng bố và chống lại hai nguy cơ khác là “chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan”. Điều này cho thấy những quan ngại của Trung Quốc đối với vấn đề an ninh nội bộ và nguy cơ tan vỡ đất nước.
Những khoảng tối
Tuy tỏ ra khá “minh bạch và công khai” nhưng Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc cũng che giấu một số điểm chính liên quan đến các khoản chi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D), chế tạo các thiết bị mới và khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Không có một từ nào trong Sách Trắng đề cập đến cam kết tài chính gần đây lên tới 49 tỷ USD trong vòng 20 năm trong lĩnh vực phát triển động cơ máy bay cho Tập đoàn Tây An Aero Engine hay tình hình phát triển tên lửa chống hạm DF – 21 (tầm bắn 1.500 km) hay kế hoạch triển khai các căn cứ hải quân ở nước ngoài hoặc sử dụng sức mạnh hải quân mới.
Thêm vào đó, Sách Trắng 2013 đã che giấu kích thước kho vũ khí hạt nhân chiến lược mà một số người khẳng định là lớn hơn rất nhiều so với những gì mà các chuyên gia phương Tây dự đoán. Năm 2012, Lầu Năm Góc ước tính Lực lượng pháo binh số 2 đã triển khai 50-75 tên lửa liên lục địa (ICMB) và từ 80 đến 120 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung (IRBM) chĩa vào Đài Loan. Trước đó vào năm 2010, một viện nghiên cứu tại Anh đã đánh giá rằng kho vũ khí của Trung Quốc bao gồm 400 IRBM và 90 ICMB, trong đó 25 quả được lắp trên các tàu ngầm hạt nhân. Trong khi Mỹ và Nga đều đã ký kết thỏa thuận cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân của họ xuống còn 1.550 vào năm 2018, Trung Quốc lại tuyên bố không có bất kỳ hạn chế nào đối với kho vũ khí hạt nhân của mình.
Theo một nghiên cứu của Đại học Georgetown xuất bản năm 2011 ước tính rằng Trung Quốc có thể đã sở hữu 3.000 vũ khí hạt nhân di động, trong đó phần lớn được cất giấu trong các đường hầm có tổng chiều dài 4.800 km. Nhận định này được nhiều chuyên gia ủng hộ. Về phần mình, các chuyên gia Nga lại cho rằng con số này vào khoảng 1.600- 1.800 tên lửa.
Một thông tin mới đây của Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo cho biết, PLA đang cân nhắc phát động một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường của kẻ thù xâm lược nhằm vào các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ của mình.
Các nhà chiến lược Trung Quốc hiểu rất rõ nguy cơ từ hình ảnh một Trung Quốc hung hăng. Ngày 23/4/2013, trong một bài báo đăng trên mạng của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Giám đốc Trung tâm Quan hệ quốc phòng Trung – Mỹ thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Diêu Vân Trúc, đã cáo buộc Washington phải chịu trách nhiệm về những nghi ngờ quanh việc Bắc Kinh đã từ bỏ nguyên tắc “không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên”. Nhà nghiên cứu quân sự này còn cho rằng lỗi thuộc về Mỹ – quốc gia đang thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao có khả năng vô hiệu hóa khả năng đáp trả của Lực lượng pháo binh số 2 và sở hữu các loại vũ khí thông thường có khả năng tấn công trực tiếp nhằm vào kho vũ khí chiến lược của PLA, qua đó làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc.
Ngày 2/1/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh cho Bộ Tư lệnh chiến lược đệ trình một báo cáo nghiên cứu về “các mạng lưới hầm ngầm tại Trung Quốc có chứa vũ khí hạt nhân và khả năng vô hiệu hóa số vũ khí này bằng các phương tiện thông thường” vào ngày 15/8 tới.