Nhờ "ngược đường" với Obama, Donald Trump bắt đầu thắng thế ở Syria?
Vào tháng 4, trong lúc ông Donald Trump gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của mình, ông đã ký một sắc lệnh mà người tiền nhiệm của mình không bao giờ làm: phóng tên lửa tấn công trực tiếp vào căn cứ quân đội của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Các quan chức Mỹ gặp mặt các đại biểu Iran vào ngày 23/03/2015. |
Cuộc tấn công bằng 59 quả tên lửa phóng hàng loạt này được cho là đã tiêu diệt nhiều máy bay chiến đấu của chính phủ Syria, song phía Syria và Nga không có phản ứng nào. Vụ việc này cho thấy sự tương phản giữa cách làm của ông Trump và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với vấn đề Syria.
Trước đây, vào năm 2013, sau khi có bằng chứng cho thấy chính quyền Assad đã dùng vũ khí hóa học, mặc dù ông Obama từng đe dọa sẽ có biện pháp mạnh đối với Assad, song ông không làm gì và sau này đã để Nga can thiệp. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là bởi ông Obama đang tập trung vào thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Nhà báo Jay Solomon của báo Wall Street Journal (Mỹ) cho biết: “Thời điểm Tổng thống Obama tuyên bố kế hoạch tấn công chính quyền Assad rồi sau đó rút lại cũng đúng lúc các đại biểu Mỹ đang gặp gỡ với đại diện của Iran tại Oman để soạn thảo thỏa thuận hạt nhân. Các quan chức Mỹ và Iran sau đó tiết lộ rằng nếu Mỹ tấn công quân của Tổng thống Assad, một đồng minh thân cận của Iran, cuộc đàm phán sẽ không đi đến kết quả cuối cùng”.
Tuy nhiên, ông Trump có quan điểm khác hẳn về Iran. Ông phản đối thỏa thuận trên và hứa khi vận động tranh cử rằng ông sẽ hủy bỏ nó nếu nhậm chức. Mặc dù ông Trump vẫn chưa thực hiện lời hứa này, song chính quyền của ông đang kêu gọi áp dụng lệnh trừng phạt đối với Iran.
Quan trọng hơn cả, ông Trump đã cho thấy rằng ông sẵn sàng tấn công quân chính phủ Assad nếu cần và sẵn sàng để các tướng lĩnh dưới quyền tự động công kích các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn tại Syria.
Ông Jonathan Schanzer, một chuyên gia về tình hình Trung Đông nhận định rằng, ông Obama không công kích quân đội Assad như đã hứa là bởi ông “lo thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ bị ảnh hưởng, chứ không phải lo sợ sẽ xảy ra một cuộc giao tranh quy mô lớn nào cả”. Vì vậy, khi ông Obama sợ Iran rời bỏ thỏa thuận này, ông Trump lại không phải lo ngại điều này.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn còn tiếp diễn. Ông Nick Heras, một chuyên gia về Syria cho biết Iran đang tập trung vào khu vực phía Đông Syria, nơi liên quân do Mỹ đứng đầu đang tiến công loại bỏ các phần tử IS.
“Ở phía Đông Syria, Iran đang cố đẩy Mỹ ra khỏi khu vực”, ông Heras nói. “Iran không muốn Mỹ khẳng định vị thế của mình tại khu vực này và các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn được cho là đã có mặt để ngăn điều này xảy ra. Iran cho rằng việc chính quyền Trump xây dựng sự hiện diện của mình tại đây là rất nguy hiểm”.
Iran từ lâu không muốn Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng và sự hiện diện quân sự của mình tại Syria. Từ tháng 5 vừa qua, liên quân do Mỹ đứng đầu đã ba lần đối đầu với các nhóm vũ trang thân Assad và do Iran hậu thuẫn.
“Tôi cho rằng linh cảm của ông Trump đối với tình hình Trung Đông là không tệ”, ông Schanzer nói. “Ông hiểu rằng ông cần phải thể hiện sức mạnh của mình trong khu vực. Điều đó sẽ tạo được những lợi thế trước những đối thủ mà trong quá khứ ông Obama không dám thách thức”.
Dù vậy, 500 binh lính Mỹ tại Syria vẫn đang gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu họ tiếp tục giao tranh với các lực lượng vũ trang thân Iran, trong bối cảnh liên quân do Mỹ đứng đầu đang tiến sát đến thành trì cuối cùng của IS tại Syria.