Nhìn cả nghìn bánh chưng thiu, dân mạng kêu gọi ủng hộ miền Trung theo nhiều cách
Những ngày qua, cả nước đồng lòng hướng về miền Trung ruột thịt. Người dân khắp mọi miền đã ủng hộ tiền bạc, nhu yếu phẩm, thậm chí chung tay gấp rút gói hàng trăm nghìn chiếc bánh chưng, bánh tét để cứu trợ người dân vũng lũ.
Hàng nghìn chiếc bánh chưng giàu dinh dưỡng, tiện dụng được đồng bào trong cả nước gấp rút thực hiện để kịp thời tiếp tế cho bà con miền Trung, giúp họ có thêm lương thực trong những ngày nước lớn.
Người dân gói hàng trăm nghìn chiếc bánh chưng để tiếp tế cho miền Trung ruột thịt. |
Những tấm lòng thơm thảo của đồng bào trên khắp cả nước hướng về miền Trung chỉ nhìn thấy thôi đã thấy ấm lòng.
Tuy nhiên, thực tế đáng tiếc là đã có hàng nghìn chiếc bánh chưng chưa kịp tới tay người dân đã bị hỏng, ôi thiu do thời tiết và quá trình vận chuyển.
Một tài xế vừa thực hiện vận chuyển chuyến hàng cứu trợ vào miền Trung đã lên tiếng cảnh báo trên mạng xã hội. Theo anh, những chiếc bánh chưng do được thực hiện với tinh thần hết sức khẩn trương đi cứu đói nên các khâu làm sạch bánh, để nguội bánh... rồi đóng gói vận chuyển hàng nghìn chiếc trong xe tải chính là nguyên nhân khiến những chiếc bánh chỉ mới 2 ngày đã bị bốc mùi chua, ôi thiu. Bánh chưa kịp tới tay người dân miền Trung đã bị hỏng, rất đáng tiếc.
Một đoàn từ thiện khác cũng lên tiếng thông báo có 3.000 cái bánh chưng đã bị hỏng khi chưa kịp trao cho người dân.
"Bánh chưng bảo quản trong môi trường khô ráo thoáng mát mới để được 7-10 ngày. Trong thùng xe vận chuyển đồ cứu trợ vừa nóng vừa kín vừa bí, bánh xếp chồng lên bánh thì sao ví như cột nhà thông thoáng được ạ. Lỡ xe vận chuyển bị tắc đường thì thời gian bánh om trong thùng lâu không tránh khỏi ôi thiu. Chưa kể miền Trung thời gian này bên trên là mưa dội xuống, phía dưới lụt lội mênh mông, ẩm ướt như vậy đến người còn thiu nữa là bánh." - một thành viên mạng xã hội chia sẻ thực tế việc vận chuyển bánh vào cứu trợ đồng bào lũ lụt.
"Cái gì tiện thì mình làm, đồ ăn thức uống lương khô. Bánh chưng cũng hơi cầu kì nhưng nó lại là đồ ăn chống đói hiệu quả nhất. Thực ra trong lúc khó khăn này cái gì cũng quý bác ạ" - một ý kiến khác nói về việc gói bánh chưng cứu trợ.
Anh Nguyễn Văn An, một hộ chuyên gói bánh chưng bán buôn tại khu vực Ba Đình cũng chia sẻ kinh nghiệm quá trình vận chuyển bánh chưng đảm bảo an toàn.
Theo anh An, vì bánh chưng có thịt, đậu, hạt tiêu, hành… nên cũng rất dễ bị mốc nhất là khi bánh không được để nơi thoáng khí, bị hấp hơi hoặc nhiệt độ ngoài trời quá cao.
Do đó, để bánh được an toàn đến tay người dân nơi vùng lũ thì sau khi luộc xong, vớt bánh chưng ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (để cho rền bánh) và phẳng đều trong vài giờ.
Sau khi hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được làm nguội trước khi ép chân không hoặc vận chuyển đi (thông thường 6- 7h). Trước khi gửi đi cho đồng bào, mọi người phải để bánh nguội mới đóng sọt nhựa, sọt tre thoáng khí gửi đi.
Để hạn chế tình trạng bánh vận chuyển vào tới nơi bị hư hỏng, ôi thiu, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng các cá nhân, tổ chức nên có kế hoạch phân phối làm sao bánh có thể tới với người dân nhanh nhất, tránh để lâu, công bà con làm, gửi gắm bao nghĩa tình trong đó để mốc thì rất lãng phí.
“Hiện có công nghệ để nguội, đóng gói, hút chân không mà vận chuyển nhanh, đảm bảo thì bánh chưng có thể để được hơn chục ngày”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho biết.
Dựa vào tình hình thực tế, thiết nghĩ các đoàn từ thiện nên cân nhắc các đồ dùng thiết yếu để cứu trợ đồng bào miền Trung mà không bị hỏng, lãng phí như những chuyến hàng cứu trợ bánh chưng nêu trên.
Lam Giang