Nhiều kiểu tận diệt chim trời
Trước đây, để bắt chim trời, các tay săn thường dùng chim mồi dẫn dụ vào lồng, làm bẫy lưới giăng bắt hoặc xạ tiễn bằng súng tự chế hay trộn thuốc… thì nay họ dùng keo dính quấn vào thanh cây vừa đơn giản, lại vô cùng hiệu quả. Tùy theo địa hình, người săn đem cây cần (dài 4-5m) gắn 1 hoặc 2 thanh ngang chừng 1mét, bôi đầy keo dính Trung Quốc, rồi mở máy điện thoại (tải nhạc tiếng chim kêu) để bẫy chim là có thể kiếm sống thoải mái. Một số tay săn không biết chỗ mua keo dính, tự chặt cây sung, mít, duối, lâm vồ… lấy mủ pha trộn nhau là có sản phẩm keo dính công hiệu và xài được nhiều lần. “Các loài chim bây giờ rất ít, việc đi gài, dùng bẫy lưới vừa rườm rà vừa ít hiệu quả, nên tôi chuyển sang bắt chim bằng bẫy nhựa. Một ngày có thể kiếm được hàng trăm con, có bữa trúng mánh cả vài trăm con, thu nhập cao hơn làm khuân vác hoặc phụ hồ”- anh Lê Văn Hồng (28 tuổi, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành) bộc bạch. Do chim sẻ hay sống quanh quẩn các khu dân cư nên các tay săn không phải lặn lội đâu xa, chỉ cần lái xe rảo quanh các tuyến đường nông thôn, thậm chí tại nội ô thành phố là có thể tìm thấy được các chú chim.
Đó là đối với những tay săn mới vào nghề, còn những tay lão luyện thì nhìn khung cảnh là có thể biết địa bàn cư trú của từng loài chim và hiểu cả tập tính sinh hoạt của chúng. Anh Phan Thanh Hùng (40 tuổi, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ) đã bỏ nghề chạy xe Honda đầu chuyển sang săn bắt các loại chim. Anh cho biết: “Bẫy chim sẻ bây giờ cũng không dễ như trước, do có nhiều người săn làm chim nhát và loài này cũng ít đi. Mỗi nơi chỉ bẫy được một vài lần là bị chúng “bắt bài” ngay, lần sau quay lại không tài nào dụ được, ngoài cách phải dùng một chiêu khác. Gần đây, họ còn buộc cả chân chim vào cây cọc giả bộ “đứng chờ” cũng chỉ gạt được chim sẻ một, hai lần là cùng. Nhưng đối với các loại chim khác, như: Áo già, tắt tí, manh manh, chim sắt… thì dễ dụ, nhưng các loại này rất ít”. Chim sẻ bẫy được đem về bán cho người mua phóng sinh trong các dịp rằm, nhưng đa phần bán cho các quán nhậu, nhà hàng, hoặc buộc chùm bày bán ở các trục lộ đông người. Dù nhỏ nhưng giá bán 1 kg chim sẻ không dưới 200.000 đồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Phan Thành Tùng cho biết: “Tình trạng người dân dùng các loài bẫy săn bắt chim trời xảy ra khá phổ biến, nhưng thời gian gần đây thì rộ lên. Từ quan niệm “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn” nên việc tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn, bảo vệ các loài động vật ít hiệu quả. Người bẫy chim đi săn trên chiếc xe Honda (chở phía sau chiếc lồng nhỏ) rảo rảo hang cùng ngõ hẹp nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện và có biết cũng khó xử phạt. Thêm vào đó, chim bắt được đều bày bán công khai dọc đường, ở các khu chợ như sản phẩm bình thường mà vẫn chưa bị xử lý. Do đó, ngoài có biện pháp chế tài và kiểm tra thường xuyên hay đột xuất, thì giáo dục ý thức bảo tồn các loài động vật cho người dân mang tính quyết định”.
Bài, ảnh: NGUYỄN RẠNG/Báo An Giang