Nhiều địa phương tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học
Những vụ việc đáng tiếc về ngộ độc thực phẩm tại các trường học xảy ra liên tiếp thời gian qua tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục.
Để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc, các địa phương đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học.
Chẳng hạn, tại Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có gần 400 trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú.
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên: “Vấn đề an toàn thực phẩm tại các trường học luôn được ngành Giáo dục quan tâm”.
Ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện quy trình, quy định về an toàn thực phẩm, phối hợp với ngành Y tế kiểm tra định kỳ, đột xuất các trường học tổ chức ăn bán trú, đảm bảo đến mức cao nhất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú trong cơ sở giáo dục hiện nay.
Ông Lý Văn Cảnh, Trưởng Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho hay, trong năm 2022, Sở đã kiểm tra 360 cơ sở, giám sát mối nguy chủ động đối với 155 cơ sở; yêu cầu các nhà trường tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá các nhà thầu trước khi ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho bếp ăn bán trú; khuyến cáo các trường phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước, thực hiện ăn chín, uống sôi.
Mặc dù tỉnh Thái Nguyên chưa ghi nhận những vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra tại các cơ sở giáo dục, song với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai, thực hiện hiệu quả, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Tại Quảng Trị, ông Trần Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đã được quan tâm, có sự chuyển biến tích cực. Tính đến trung tuần tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể trường học nào.
Để ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm triển khai nhiều nội dung gồm: Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học; Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, kiên quyết không sử dụng nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ không bảo đảm an toàn thực phẩm; Cung cấp địa chỉ các cơ sở cung ứng nguyên liệu đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý cho trường học; Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm…
Trung tuần tháng 11, trong công văn gửi sở y tế và ban quản lý an toàn thực phẩm của 3 địa phương gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Đà Nẵng, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đặc biệt cũng đã lưu ý một số việc cần làm ngay, gồm: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học, trong đó nhấn mạnh nội dung "5 chìa khóa để có thực phẩm an toàn" theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo Quyết định số 1246 ngày 31/3/2017 của Bộ Y tế; Nâng cao sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với nhà trường, gia đình trong việc giáo dục, hướng dẫn học sinh thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng thực phẩm an toàn; Huy động sự phối hợp của cán bộ y tế trường học, ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến tại các bếp ăn trường học…
Đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú được xác định là việc hết sức cần thiết để đảm bảo sức khoẻ và sự phát triển toàn diện về thể chất cho học sinh, thế hệ tương lai của đất nước.
Lam Anh