Nhảy sông rồi về nhà ngủ, cứu hộ trắng đêm tìm kiếm: Có bị xử lý không?
Hành vi của thanh niên nhảy sông rồi về nhà ngủ khiến lực lượng cứu hộ trắng đêm tìm kiếm như vậy có vi phạm pháp luật hay không?
Buồn chuyện gia đình, một thanh niên ở Trà Vinh nhảy cầu xuống sông, ý định ''kết thúc cuộc sống''. Tuy nhiên, khi rơi xuống sông, thanh niên này lại bơi vào bờ rồi về nhà ngủ, khiến lực lượng cứu hộ trắng đêm tìm kiếm.
Sự việc xảy ra vào rạng sáng 27/8. Tiếp nhận tin báo có một trường hợp bỏ xe máy trên cầu Long Bình 2 (thuộc phường 5, TP Trà Vinh, Trà Vinh) gieo mình xuống sông, tổ cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Trà Vinh lập tức phân công lực lượng, phương tiện có mặt tại hiện trường triển khai đội hình tìm kiếm.
Tuy nhiên, sau hơn 2 giờ nỗ lực tìm kiếm, Tổ cứu nạn, cứu hộ nhận được thông tin người nhảy xuống sông là anh Đ.V.L.E. (29 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh) đã về nhà ngủ.
Lực lượng cứu hộ trắng đêm tìm anh E, thanh niên nhảy cầu rồi bơi về nhà ngủ. |
Ngay sau đó, lực lượng công an đã mời thanh niên này đến làm việc. Tại cơ quan công an, anh E. tường trình, do xảy ra mâu thuẫn với gia đình nên đêm 26, rạng sáng 27/8, anh điều khiển xe máy đến cầu Long Bình 2 với ý định nhảy xuống sông kết thúc cuộc sống. Khi đến nơi, anh E. bỏ lại xe máy, điện thoại rồi nhảy xuống sông, trôi theo dòng nước một đoạn khoảng 20m thì leo lên bờ và về nhà ngủ.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an xem xét, xử lý.
Theo dõi thông tin vụ việc, nhiều người đặt câu hỏi: Hành vi của E (nhảy xuống sông rồi về nhà ngủ) khiến lực lượng cứu hộ vất vả trắng đêm tìm kiếm như vậy có vi phạm pháp luật hay không?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết hành vi của E có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2021.
Theo luật sư, cần phân biệt rõ E đã thực hiện 2 hành vi, bao gồm: Thứ nhất là hành vi bỏ lại xe máy, nhảy cầu gây tụ tập đông người, mất trật tự nơi công công; thứ hai là hành vi không thông báo, đính chính thông tin cho lực lượng cứu hộ.
“Đối với người báo tin cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nếu người báo tin không biết và thuộc trường hợp không biết về việc người nhảy cầu bỏ về nhà sau khi nhảy cầu thì có lỗi vô ý khi báo tin cho Cảnh sát PCCC nên không vị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong trường hợp E biết việc lực lượng chức năng đang tìm kiếm nhưng vẫn không thông báo cho cơ quan chức năng thì anh ta có thể bị xử phạt về hành vi ''Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng'', luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.
Luật sư này cũng phân tích thêm, hành vi của người nhảy cầu là cố ý gây tụ tập đông người, gây mất tình trạng ổn định trật tự, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Mặc dù E có điều kiện để khắc phục điều này nhưng không thực hiện thông báo để chấm dứt việc tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, dẫn đến hậu quả là nhiều người tiếp tục tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng. E có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo điểm 2 khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Còn hành vi không thông báo, đính chính thông tin cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ của E không bị xử phạt vi phạm hành chính do chưa có quy định cụ thể.
Căn cứ Điều 6 Nghị Định 83/2017/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, không có hành vi không thông báo, đính chính thông tin sai sự thật cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Do đó, luật sư cho rằng, cần có sự điều chỉnh luật như bổ sung việc xử phạt hành vi không thông báo, đính chính thông tin sai sự thật trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và cần tăng nặng hình thức, mức độ xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy mới có thể đủ nghiêm khắc răn đe, nâng cao ý thức cộng đồng của mỗi cá nhân.
N. Huyền