Nhật Bản không muốn đua theo phương Tây trừng phạt Nga?
Theo AP, trong nhiều thập kỉ qua, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Nga đã bị tác động tiêu cực bởi tranh chấp đối với 4 hòn đảo mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril, còn Nhật gọi là lãnh thổ phương Bắc. Hai nước thậm chí không thể kí kết được hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới II vì tranh chấp trên.
Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã có nhiều động thái thể hiện mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Chính vì vậy, theo AP, Nhật Bản dường như đã buộc phải trừng phạt Nga vì nước này không thể cự tuyệt đồng minh chủ yếu là Mỹ hay các đối tác châu Âu.
Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Nga Putin. |
Hôm 16/7, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã thể hiện sự ủng hộ “mơ hồ” đối với các động thái của Mỹ và phương Tây nhằm vào các công ty năng lượng, các viện tài chính, các nhà cung cấp vũ khí và cả 4 công dân khác của Nga.
Ông Yoshihide Suga nói: "Chúng tôi đang theo dõi tình hình của châu Âu và Mỹ. Quan điểm của chúng tôi về Ukraine là cộng đồng quốc tế cùng phối hợp giải quyết các vấn đề, vì vậy chúng tôi muốn có những biện pháp thích hợp để phù hợp với quan điểm đó”.
Trước đó, Nhật Bản đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng vẫn rất hạn chế. Nhật Bản cũng đình chỉ một số cuộc đàm phán với Moscow, và áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 23 công dân Nga.
Ông James DJ Brown, một giáo sư khoa học chính trị của trường Đại học Temple ở Tokyo cho biết: "Nhật Bản thực sự muốn đưa ra tín hiệu để Nga biết rằng nước này không hoàn toàn muốn thực hiện các biện pháp trừng phạt với Nga. Tokyo sẽ áp đặt lệnh trừng phạt nhưng vẫn muốn giữ một lập trường trung lập”.
Mặc dù Nhật Bản không công bố danh sách 23 công dân Nga bị cấm thị thực, nhưng dường như lệnh này không áp dụng đối với ông Sergey Naryshkin, Chủ tịch Hạ viện Nga, người cũng nằm trong danh sách bị Mỹ và EU trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Hồi tháng trước, ông Sergey Naryshkin đã đến thăm Nhật Bản để khai trương một lễ hội văn hóa. Tại đó, ông đã truyền đạt thông điệp của Tổng thống Putin rằng, đây là một sự kiện giúp "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau” giữa hai nước. Ông Naryshkin cũng ăn tối với cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori.
Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Nhật Bản vào mua thu này dường như cũng chưa có gì thay đổi.
Trong khi đó, bà Valerie Niquet, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược ở Paris cho biết: "Tokyo đang muốn tái thiết lập quan hệ với Nga” trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Năng lượng là một trong những yếu tố quan trọng trong mối quan hệ Nga – Nhật. Các công ty Nhật Bản và Nga đang đẩy mạnh các dự án, bao gồm một cơ sở khí hóa lỏng tại Sakhalin để tăng lượng đơn hàng tới Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.
Bà Niquet nhận định: "Người Nga vẫn chưa cởi mở để đón nhận lượng đầu tư lớn từ phía Trung Quốc, bao gồm cả năng lượng, do vậy họ đang xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với Nhật Bản”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York.