Nhật Bản dấn sâu vào vấn đề biển Đông
Nhật Bản dấn sâu vào vấn đề biển Đông
Trung Quốc xây trung tâm nghiên cứu hải sản ở biển Đông
Philippines sẽ dùng máy bay Mỹ "soi" Trung Quốc ở biển Đông
Philippines và Mỹ sẽ tập trận chung vào đầu tuần tới
Thủ tướng Nhật Bản Noda (phải) và Tổng thống Philippines Aquino – Nhật ngày càng tích cực hỗ trợ Philippines tăng cường năng lực quân sự. |
Sự hiếu chiến của Trung Quốc tại biển Đông đang khiến Philippines và Việt Nam đều phải lên tiếng nhưng không chỉ có hai quốc gia này bày tỏ sự lo ngại. Nhật Bản đang thể hiện một vai trò dù khá trầm lặng nhưng lại khá quan trọng trong các cuộc tranh chấp tại khu vực này.
Không có lợi ích trực tiếp từ Hoàng Sa hay Trường Sa nhưng nền kinh tế thứ ba thế giới này có lợi ích khi để tranh chấp Biển Đông không căng thẳng quá mức và Nhật ngày càng hành động rõ rệt hơn để bảo vệ lợi ích đó của mình.
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN tại Phnom Penh, ngoại trưởng Nhật muốn bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tiến triển gần đây trong căng thẳng Biển Đông, thúc giục các bên làm rõ tuyên bố chủ quyền lãnh hải và thực thi các giải pháp ngoại giao ngay lập tức. Trong khi hành động can thiệp này của Nhật Bản sẽ được các nước Đông Nam Á hoan nghênh, nó gần như chắc chắn sẽ làm gia tăng rạn nứt trong mối quan hệ Nhật – Trung.
Việc Nhật Bản sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc về các tranh chấp chủ quyền mà Tokyo không có lợi ích trực tiếp là điều có ý nghĩa rất quan trọng. Tokyo vẫn luôn để mắt đến Biển Đông nhưng chỉ đến khi căng thẳng gia tăng kể từ năm 2008, nước này mới cảm thấy cần thiết phải có cách tiếp cận chủ động về vấn đề này. Trong những ngày này, Nhật Bản đang chuyến đến mức độ hành động cao hơn: đối đầu trực diện với Trung Quốc.
Nhật Bản có 2 mối lo ngại chính. Một là, căng thẳng leo thang theo thời gian sẽ trở thành một cuộc xung đột lớn hơn khiến giao thương hàng hải bị gián đoạn. Điều đó sẽ gây hại cho an ninh kinh tế của Tokyo do Biển Đông là nơi trung chuyển hàng hóa của Nhật bản đến các thị trường sinh lời lớn ở Đông Nam Á và châu Âu; đồng thời 90% lượng dầu thô mà Nhật Bản nhập được vận chuyển qua vùng biển này.
Và một mối lo ngại khác là nếu Bắc Kinh có thể tìm đường thống trị biển Đông thì cũng sẽ áp dụng chiến thuật đó đối với khu vực mà Nhật và Trung Quốc đối đầu trực tiếp. Nếu Trung Quốc dụ dỗ hay ép buộc các quốc gia Đông Nam Á láng giềng chấp nhận lập luận đáng ngờ của nước này về chủ quyền cũng như “những quyền lợi mang tính lịch sử” đối với vùng biển này thì những thông lệ quốc tế hiện nay như Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 sẽ bị vô hiệu hoá. Điều đó cũng có thể làm giảm sức nặng của các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với các đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tại biển Hoa Đông trong trường hợp Bắc Kinh quyết định sử dụng các lập luận tương tự như với biển Đông.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh có lẽ đang tính toán rằng nếu chiến tranh có thể giúp nước này đạt được điều mong muốn tại vùng này, thì nó cũng sẽ có thể dùng được cho các vùng khác. Chính sách “kề miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc có thể khơi mào ra một cuộc khủng hoảng quân sự và ngoại giao lớn trong quan hệ Nhật – Trung.
Những điều trên lí giải tại sao Nhật Bản quyết tâm đóng vai trò đi đầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Biển Đông và sử dụng các diễn đàn đa phương là một cách để thực hiện điều đó. Tại các cuộc họp cấp cao ASEAN, Tokyo đã kêu gọi “hòa bình và ổn định” cho khu vực.
Quan trọng hơn là, nước này đã cam kết tăng cường hợp tác giữa Lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản với các đối tác tại Đông Nam Á. Đây là nội dung hợp tác quan trọng vì nhìn chung các nước tuyên bố chủ quyền mới chỉ dùng đến lực lượng canh gác bờ biển chứ chưa cử tàu chiến hải quân ra khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Nhật Bản cũng đề xuất Diễn đàn hàng hải ASEAN được mở rộng bao gồm một số đối tác đối thoại của ASEAN như Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Nhật coi diễn đàn này là nơi thảo luận hữu ích giúp củng cố các khung pháp lý quốc tế hiện nay và xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Vấn đề rắc rối ở đây là một số thành viên ASEAN đã phản ứng khá thận trọng do lo sợ làm “mếch lòng” Trung Quốc.
Điều đó cũng không có nghĩa là Nhật hoàn toàn chỉ hành động thông qua ASEAN. Tokyo ngày càng tỏ ra thất vọng vì ASEAN không thể giải quyết cuộc khủng hoảng biển Đông mặc dù Nhật vẫn lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của tổ chức này. Nhật Bản muốn các quốc gia ASEAN có quan điểm thống nhất và phản đối các thành viên có thỏa thuận riêng với Trung Quốc do Nhật hiểu nếu đàm phán song phương thì Bắc Kinh chắc sẽ ở “thế trên”.
Vì thế Tokyo cũng sẽ theo đuổi các cuộc đối thoại song phương với một số đối tác trong khu vực. Nước này hiện liên lạc nhiều nhất với Philippines do Philippines là mắt xích yếu nhất trong nhóm ASEAN với lực quân đội non yếu. Hiện Tokyo đang giúp tăng cường năng lực của lực lượng canh gác bờ biển Philippines và đã thống nhất về nguyên tắc sẽ chuyển giao tới 10 chiếc tàu canh gác bờ biển để cải thiện khả năng giám sát hàng hải của nước này.
Hai bên cũng đã bắt đầu tăng cường quan hệ quân sự. Các cuộc đối thoại đã bắt đầu được tiến hành và trong năm nay các tàu hải quân Nhật Bản đã đến thăm Philippines để tham gia vào các khóa huấn luyện cũng như các nhiệm vụ nhân đạo. Ngoài Philippines, Nhật Bản cũng đã quyết định nâng cấp quan hệ quốc phòng với Việt Nam và tham gia thảo luận với Singapore, Malaysia và Indonesia.
Trung Quốc có thể phản đối các cường quốc “can thiệp” vào tranh chấp trên Biển Đông nhưng chính các hành động của nước này đã buộc Nhật Bản phải “can thiệp”. Tokyo tỏ ra quyết tâm hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á tìm ra một giải pháp thuận lợi mặc dù điều đó có thể khiến một số quốc gia có những phát biểu đầy tức giận tại Hội nghị Phnom Penh trong tuần này.
Lê Dung