Nhanh chóng lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân của người dân
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía Nam” do Bộ Y tế tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM ngày 10/10/2018.
Cụ thể, về tiến độ, Bộ trưởng chỉ đạo, trong năm 2018, các địa phương phải hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm, tiến tới triển khai rộng khắp tại các trạm y tế xã, phường còn lại mà không cần chờ kết quả các trạm y tế làm điểm. Mỗi trạm y tế điểm đều phải thực hiện việc lập và quản lý hồ sơ sức khỏe người dân.
“Mỗi tỉnh phải chọn 1 đến 2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai rộng rãi. Đến năm 2023 các địa phương phải hoàn thành việc đồng bộ hóa, phát triển hệ thống trạm y tế xã, phường,” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu.
Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế), khoảng trống điều trị hiện rất lớn. 70% bệnh nhân nhập viện là vì các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, tăng huyết áp không được phát hiện là 56,9% và trong số 43,1% bệnh nhân cao huyết áp được phát hiện thì chỉ 13,6% được quản lý. Tăng huyết áp hiện đang là đại dịch, 10% người cao tuổi thường sẽ kèm theo 4 bệnh mạn tính, trong đó có tăng huyết áp. 4 trường hợp tử vong sẽ có 1 người vì mắc bệnh tim mạch.
Ảnh internet |
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, chất lượng chuyên môn giữa các tuyến không chênh lệch nhiều do điều trị bệnh không lây mạn tính đã có phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật được chuẩn hoá và phổ biến rộng rãi. Các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, các bác sĩ gia đình đều được đào tạo để theo dõi các bệnh không lây nhiễm. Do đó, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu và không phải vượt tuyến trong trường hợp không cần thiết.
Theo thống kê của Bộ Y tế, người dân chưa tin tưởng trạm y tế xã nên vượt tuyến không cần thiết. Cụ thể, 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể được điều trị ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể được điều trị ở trạm y tế xã, phường.