Nhân viên ngân hàng lái xe bán tải kéo lê xe máy của công an bị xử lý thế nào?
Khi công an yêu cầu dừng xe để kiểm tra, tài xế ô tô đã không chấp hành. Người này là nhân viên ngân hàng, trước đó đã sử dụng thức uống có cồn. Hành vi này của nhân viên ngân hàng có thể bị phạt 3 năm tù.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cho biết vụ gây tai nạn không gây ra thương vong nhưng chiếc xe máy bị hư hỏng nặng.
Ô tô bán tải và xe máy của Công an xã An Phú. Ảnh: N.A. |
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xác định, tài xế ô tô là nhân viên ngân hàng đang trên đường đi dự sinh nhật về và đã sử dụng thức uống có cồn. Cảnh sát đang lấy lời khai và tạm giữ phương tiện liên quan.
Trước đó, vào khoảng 1h ngày 11/12, một nhân viên ngân hàng lái ôtô bán tải mang biển số tỉnh Bình Dương trên tỉnh lộ 15, hướng cầu Bến Súc về xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.
Đến địa phận xã An Phú, huyện Củ Chi, tài xế bị công an địa phương yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Một công an viên lấy xe máy chặn trước ôtô này và yêu cầu tài xế chấp hành. Tuy nhiên, nam thanh niên tông ôtô tông vào xe máy của công an xã rồi bỏ chạy. Xe máy bị ôtô kéo đi hơn 500 m, tóe lửa.
Luật sư Hoàng Tùng trao đổi về vụ việc. |
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề nêu trên, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VP Luật sư Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông.
Nhiều trường hợp đã xảy ra như tình huống trên, người tham gia giao thông còn mất kiểm soát, có những hành động chống người thi hành công vụ, không tuân theo chỉ dẫn của lực lượng công an khi được yêu cầu dừng lại kiểm tra phương tiện”.
Từ những hành vi nêu trên, luật sư Hoàng Tùng viện dẫn, theo Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bên cạnh đó, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là một trong những hành vi bị cấm.
Áp dụng luật giao thông nêu trên thì nam thanh niên này có thể sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng đồng thời có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm cho hành vi của mình.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự thì người gây tai nạn còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự theo quy định tại điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 cho việc lái ô tô tông làm chiếc xe máy của người thi hành công vụ bị hư hỏng.
Sử dụng rượu bia hay các chất có cồn rất nguy hiểm khi tham gia giao thông và mang đến những thiệt hại rất lớn, không đáng có. Để phòng tránh rủi ro xảy ra, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ không được sử dụng rượu bia hay bất kì chất kích thích nào khi tham gia giao thông.
Sông Yên