Nhân chứng quyết định 'số phận' ông Trump
Đại sứ Sondland dự kiến sẽ ra làm chứng vào ngày 20/11, trong các phiên điều trần công khai tuần thứ hai trước Quốc hội Mỹ, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình và khiến Nhà Trắng rúng động.
Tổng thống Donald Trump và Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland (phải) tại căn cứ không quân Melsbroek ở Brussels, Bỉ hồi tháng 7/2019. Ảnh: AP |
Ông Sondland đã không đề cập đến cuộc điện đàm trong lời khai tại các phiên điều trần kín phục vụ điều tra luận tội tổng thống hay bản tuyên bố sửa đổi 3 tuần sau đó, vốn thừa nhận tồn tại chuyện "có đi, có lại" trong viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraina. Hiện tại, trước các ống kính máy quay và hàng triệu khán giả xem truyền hình, quan chức này chắc chắn sẽ bị hỏi tại sao lại làm chuyện đó.
Khi cân nhắc câu trả lời, ông Sondland có thể cố gắng tính toán cân bằng giữa sự trung thành với ông Trump và số phận từng giáng xuống đầu những người thân cận tổng thống khác: cựu luật sư Michael Cohen và cựu chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử Paul Manafort đều đang ngồi tù, trong khi chính trị gia Roger Stone tuần trước bị kết tội nói dối Quốc hội.
"Này Đại sứ Sondland. Roger Stone đã nói dối Quốc hội vì Tổng thống Trump và hiện sắp phải ngồi sau song sắt giống như quản lý chiến dịch vận động tranh cử và luật sư của ông ấy. Ngài có phải người tiếp theo không? Cuộc gọi của ngài ấy, Gordy", Joe Scarborough, người dẫn chương trình truyền hình từng có thời là nghị sĩ Mỹ chia sẻ trên Twitter.
Theo báo Guardian, Washington mới chỉ chứng kiến cuộc điều tra luận tội nguyên thủ thứ 4 trong lịch sử (3 cuộc điều tra luận tội trước đây nhắm vào các cựu Tổng thống Bill Clinton năm 1998, Richard Nixon năm 1974 và Andrew Johnson năm 1868).
Trong các phiên điều trần công khai hồi tuần trước, 3 quan chức cấp cao gồm quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraina Bill Taylor, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu George Kent và Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraina Marie Yovanovitch đã đưa ra những phát biểu bất lợi cho ông Trump, với nội dung mô tả cách tổng thống đã bôi nhọ các nhà ngoại giao Mỹ như thế nào để ông có thể thiết lập một kênh khác thường nhằm mua chuộc Ukraina và tăng cơ hội thắng cử năm tới ra sao.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn kiên quyết phủ nhận bản thân đã làm gì sai trái. Hiện gần như cũng chẳng có mấy vết rạn nứt trong bức tường bảo vệ ông do phe Cộng hòa và truyền thông bảo thủ dựng nên.
Dẫu vậy, ông Sondland có thể chứng minh là nhân vật có ảnh hưởng then chốt. Chủ khách sạn kiêm nhà gây quỹ của đảng Cộng hòa này có mối quan hệ không mấy êm đẹp với ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, nhưng về sau đã chọn đứng hẳn về phe tân lãnh đạo Nhà Trắng khi thông qua các công ty riêng quyên góp đến 1 triệu USD cho ủy ban phụ trách hoạt động nhậm chức của ông Trump. Ông Sondland về sau được chính quyền ông Trump bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại EU và chuyển đến Brussels làm việc hồi năm ngoái.
Ngày 10/7 năm nay, một cuộc gặp với các quan chức Ukraina tại Nhà Trắng đã kết thúc đột ngột khi Đại sứ Sondland tuyên bố đã có thỏa thuận với Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney rằng, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy sẽ hội kiến người đồng cấp Trump nếu Kiev đồng ý xúc tiến các cuộc điều tra.
Theo các nhân chứng, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khi đó John Bolton tỏ ra kinh hãi và nói: "Tôi không dự phần vào bất kỳ thỏa thuận nào mà các ông Sondland và Mulvaney đang nhào nặn".
Viện trợ quân sự cho Ukraina đã bị đóng băng cho đến khi có thông báo mới. Vào ngày 25/7, Tổng thống Trump đã nói chuyện với ông Zelenskiy qua điện thoại, yêu cầu lãnh đạo chính phủ Ukraina giúp thu thập các thông tin có khả năng gây tổn hại cho cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ hàng đầu của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Ngày 26/7, ông Trump gọi điện cho ông Sondland trong khi vị đại sứ này đang ở một nhà hàng tại Kiev. Tuần trước, ông Taylor, nhà ngoại giao Mỹ hàng đầu tại Ukraina khai với các nhà điều tra rằng, David Holmes, một trong các nhân viên của ông đã nghe lỏm một phần cuộc điện đàm, trong đó tổng thống đề cập tới "các cuộc điều tra".
Sau cuộc gọi, ôngHolmes đã hỏi ông Sondland xem tổng thống nghĩ gì về Ukraina. "Đại sứ Sondland đáp rằng, ông Trump quan tâm nhiều hơn tới các cuộc điều tra nhà Biden, điều mà Rudy Giuliani, luật sư riêng của tổng thống đang tìm cách thúc đẩy", ông Taylor khai.
Phe Cộng hòa phản bác lời khai của Đại sứ Taylor chỉ là "phao tin". Sau phiên điều trần, Tổng thống Trump quả quyết với các phóng viên rằng, ông chẳng hay biết điều gì về cuộc gọi với Sondland.
Trong khi đó, ông Holmes đã tham gia buổi điều trần riêng trước Quốc hội hôm 16/11. Một bản ghi nội dung lời khai của viên trợ lý này, lọt vào tay CNN có ghi: "Tôi nghe Tổng thống Trump hỏi 'Ông ta (Zelenskiy) sẽ xúc tiến điều tra chứ?'. Đại sứ Sondland đáp: 'Ông ấy sẽ làm việc đó' rồi nói thêm Tổng thống Zelenskiy sẽ thực hiện 'bất cứ thứ gì ngài yêu cầu ông ta làm'".
Trong khi phe Cộng hòa tìm cách khắc họa mọi cáo buộc chỉ dựa vào các nguồn tin gián tiếp thứ hai hoặc thứ ba, phe Dân chủ chắc chắn sẽ gây sức ép với Đại sứ Sondland về cuộc trao đổi trực tiếp với tổng thống và hỏi tại sao ông lại bỏ phần báo cáo về nó trong lời khai ban đầu.
Matthew Miller, cựu phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ tin các lời khai của ông Sondland vô cùng quan trọng. Theo chuyên gia này, nếu chứng kiến buổi điều trần kín gần đây nhất của vị đại sứ trước ủy ban điều tra thuộc Hạ viện, người ta có thể thấy ông Sondland dường như đã nhiều lần che giấu sự thật. Cụ thể, ông Sondland tuyên bố không nhớ các cuộc trao đổi được cho "khó có thể quên".
Ông Miller nhấn mạnh, Đại sứ Sondland quả quyết với ủy ban điều tra rằng ông chưa từng thảo luận việc điều tra ông Biden với bất kỳ ai tại Nhà Trắng hoặc Bộ Ngoại giao Mỹ. Nếu các lời khai của những nhân chứng khác là đúng, ông Sondland rõ ràng đã nói dối các nhà điều tra.
Ông Miller cảnh báo, hậu quả với Đại sứ Sondland có thể rất thảm khốc nếu chính khách này duy trì "lòng trung thành mù quáng" với Tổng thống Trump.
"Nếu tôi là ông ấy, tôi sẽ rất lo lắng về việc phải đối mặt với ủy ban điều tra vì một cáo buộc hình sự và tôi sẽ cố gắng hợp tác với ủy ban để ngăn chặn điều đó xảy ra. Ủy ban hiện có rất nhiều sức mạnh buộc ông ấy phải nói ra sự thật. Trong suốt cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller (về nghi vấn thông đồng với Nga), có rất nhiều nhân chứng nghĩ rằng họ có thể bám lấy Tổng thống Trump và được ân xá. Paul Manafort và Michael Cohen hiện đang trong tù, còn Roger Stone vừa bị kết án. Vì vậy, đó thực sự là một canh bạc khá mạo hiểm", ông Miller, người hiện đã đầu quân cho công ty tư vấn quản lý Vianovo bình luận.
Để biết rốt cuộc ông Sondland sẽ chọn giải pháp nào, công chúng không còn cách nào khác là chờ xem phiên điều trần công khai của ông trước Quốc hội diễn ra vào ngày 20/11. Trong khi chờ đợi, nhiều nhà phân tích tin phần trình bày của ông sẽ có ý nghĩa quyết định những gì xảy ra tiếp theo trong cuộc điều tra luận tội ông Trump và có thể cả tương lai chính trị của vị tổng thống "tay ngang", xuất thân từ doanh nhân này.