Nhăm nhăm “trốn” nhà đi chơi, các con đau đầu tìm cách “khóa” chân bố
Cảnh sát giao thôngđưa một cụ già đi lạc về nhà - Ảnh: minh họa |
Tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân sa sút trí tuệ do Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức mới đây, đi cùng với bệnh nhân Alzheimer Nguyễn Thị Đ., em M, cháu gái cụ không giấu nổi vẻ mệt mỏi. Em cho biết, bà em bị mất trí gần 3 năm. Đợt này nghỉ hè, nên M. được phân công trông bà, hỗ trợ mọi người.
“Bà em lẫn lắm rồi, nhưng bà lại rất hay đi. Em không dám rời bà nửa bước, cứ quay đi quay lại là lại không thấy bà đâu. Có lần bà “trốn” ra khỏi nhà rồi lạc không nhớ đường về, cả nhà được phen tá hỏa.
Rồi có lúc bà khóc, mắng nhiếc cả nhà, đổ cho mọi người ăn cắp đồ của bà. Từ ngày bệnh bà trở nặng, gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Mẹ em năm ngoái phải vào viện vì quá stress. Nếu trước đây gia đình em được tiếp cận thông tin về bệnh từ sớm chắc bà em giờ không đến nỗi thế này...”, M. ái ngại kể lại.
Cũng chung tình cảnh M., chị H (Cầu Giấy) không giấu nổi vẻ mệt mỏi. Gương mặt của người phụ nữ mới hơn 40 nhưng lộ rõ nét khắc khổ, lo âu. Hai mắt chị H. trũng lại, thâm quầng. Chị kể, bố chị có dấu hiệu sa sút trí tuệ từ 4 năm trước, nhưng hai năm trở lại đây bệnh của ông ngày một nặng.
“Ông vẫn tự chăm sóc được bản thân chỉ duy nhất việc ông hay “đi chơi”. Có hôm vui chân… ông ngược lên tận Sóc Sơn”, chị H. hài hước nói.
Lạ cái, ông không đi xe đạp, cũng chẳng đi bộ, cứ nhè xe bus mà lên. Xe dừng điểm nào, “thích” thì ông xuống… đi bộ quãng đến điểm sau, không thích ông lại lên xe. Đi đâu, không quan trọng. Ban đầu gia đình khốn khổ vì việc đi tìm bố, tìm ông.
“Chúng tôi buộc phải in sẵn số điện thoại, ép plastic treo trước ngực cho ông. Song song đó là mua cho ông đồng hồ định vị. Biện pháp này giúp gia đình biết ông đang ở đâu nhờ người đi đường, hoặc các bác tài xế bus gọi gia đình đến đón.
Nhưng “sáng kiến” này cũng chẳng được mấy bữa. Bởi đồng hồ định vị cũng chỉ được hai hôm, rồi ông lại cởi ra… rơi đâu mất. Thẻ đeo cũng tương tự.
Khốn khổ, ngày nào cũng có điện thoại. Các con cứ phải chia nhau đi đón ông. Mà nào có quanh quẩn gần nhà. Hôm thì điểm đỗ cuối tuyến bus Cầu Giấy- Sóc Sơn, có hôm lên tít hút Ba Vì… Có lần còn bị xe đâm gãy mấy cái xương sườn. Nằm viện cả tháng trời. Cực chẳng đã, chúng tôi buộc phải thay ổ khóa cửa, nhốt ông trong nhà”, chị H. nói.
Thế nhưng, chỉ sơ sểnh là ông lại trốn ra ngoài nhanh như chảo chớp. “Mệt mỏi, căng thẳng. Cứ mãi như thế này, chúng tôi không biết phải xoay sở ra sao… Anh em đã tính có khi phải dùng xích, xích ông lại”, chị H.khẽ thở dài, nước mắt ngân ngấn rơi.
TS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Người già – Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, đây là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác,… Ngoài ra, người bệnh sa sút trí tuệ có thể có nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý, hành vi và suy giảm chức năng nặng nề tùy từng thể, từng giai đoạn của bệnh.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân vào viện thường có triệu chứng bệnh Alzheimer, có những bệnh nhân sa sút trí tuệ đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát.
Các bác sĩ nhấn mạnh, sa sút trí tuệ gây ra gánh nặng lớn cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Vì thế, việc quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Phương pháp điều trị có thể dùng thuốc, không dùng thuốc hoặc chăm sóc toàn diện sẽ giúp làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Do đó, TS Trần Thị Hà An khuyến cáo, khi có các biểu hiện sau: Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày; Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề; Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc; Nhầm lẫn về thời gian và không gian; Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian;
Hoặc người bệnh phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/ đọc; Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ; Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định; Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội; Thay đổi cảm xúc và nhân cách… thì người thân nên đưa người bệnh đi khám bác sĩ sớm để được tư vấn, điều trị kịp thời.