Nhà Trắng phủ nhận tư cách tổng thống của ông Yanukovych
Jay Carney, Phát ngôn viên chính thức của Nhà Trắng, nói rằng mặc dù ông Yanukovych "là một nhà lãnh đạo được bầu dân chủ. Nhưng hành động của ông đã làm mất đi tính hợp pháp của ông và ông không còn là nhà lãnh đạo tích cực của đất nước”.
Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych gặp gỡ Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong năm 2009. |
Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cho biết: "Yanukovych đã rời khỏi Kiev. Ông ấy nhận lấy quyền lợi, đóng gói và ra đi. Chúng tôi không có thông tin nào về nơi ở của ông ấy. Vì vậy, các chức sắc đã hành động để lấp đầy khoảng trống lãnh đạo lúc này”. Hiện nay, nơi ở của ông Yanukovych là một bí ẩn sau khi ông chạy trốn khỏi thủ đô Kiev vào ngày quốc hội Ukraine phế truất ông.
Đồng thời với tuyên bố phủ nhận ông Yanukovych là lời kêu gọi của chính quyền Mỹ đề nghị Nga hỗ trợ quá trình chuyển tiếp trong hòa bình và không đóng cửa với tương lai của Ukraine. Ông Psaki cho biết sự xuất hiện của một chính phủ mới ở Kiev không phải là “một trò chơi” với Nga hay bất cứ quốc gia nào.
“Tất cả chúng ta đều có lợi ích trong việc hỗ trợ tương lai thịnh vượng cho đất nước”, ông Psaki nói, thúc giục Quốc hội Mỹ nhanh chóng phê duyệt viện trợ cho Ukraine.
Các quan chức Mỹ cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang xem xét một gói viện trợ lên đến 15 tỷ USD để giúp ổn định chính phủ chuyển tiếp mới tại Kiev. Ông Carney cho biết Mỹ sẽ cung cấp bổ sung một khoản viện trợ cho IMF nhằm tăng cường ổn định kinh tế Ucraine. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ con số mà Mỹ sẽ viện trợ là bao nhiêu. Các quan chức Mỹ cũng cho biết các khoản hỗ trợ của Mỹ sẽ được sử dụng để giúp đỡ Ukraine thực hiện cải cách chính trị, một phần trong số đó là thông qua việc đầu tư cho y tế và giáo dục.
Các quan chức cấp cao của Mỹ trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao William Burns và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, chính trị và kinh doanh của Ukraine tại Kiev trong hai ngày tới. Tham gia vào cuộc gặp này sẽ có các lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu.
Các cuộc biểu tình tại Kiev đã diễn ra sau khi Tổng thống Yanukovych bỏ qua một thỏa thuận với EU và chấp nhận một gói viện trợ trị giá 15 tỷ USD của Nga hồi tháng 11/2013. Trong vòng vài tuần, các cuộc biểu tình lan rộng và bùng nổ thành bạo lực, yêu cầu ông Yanukovych từ chức. Mâu thuẫn dâng lên đến đỉnh điểm sau khi 82 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đẫm máu nhất kể từ sau thời kỳ hậu Xô Viết.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ John McCain cho biết: "Hơn bao giờ hết, người dân Ukraine cần sự hỗ trợ của bạn bè. Con đường cải cách sẽ rất khó khăn nhưng nếu chính phủ mới của Ukraine chuẩn bị cho nó, cùng với sự hỗ trợ đáng kể của IMF và Liên minh châu Âu. Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ tốt nhất có thể”.
Phụ tá cho biết Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc nói chuyện với Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili hôm thứ Hai (24/2). Đó là cuộc thảo luận về an ninh khu vực đầu tiên giữa Mỹ và các quốc gia cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.