Nhà sản xuất: Máy bay không người lái đã bị 'hiểu lầm’
Tập đoàn General Atomics, nhà sản xuất máy bay không người lái Predator và Reaper hiện đang được Mỹ sử dụng để tiêu diệt những kẻ khủng bố ở Afghanistan và nhiều nơi khác cho biết hình ảnh của loại vũ khí này đang bị ảnh hưởng và chúng đang bị ‘miệt thị’. Trong văn bản đệ trình tới ủy ban điều tra về các loại vũ khí điều khiển từ xa, công ty này cho biết thuật ngữ máy bay không người lái đã bị hiểu lầm và chúng đang tỏ ra rất hữu ích trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Một chiếc máy bay không người lái Reaper. |
Công ty này cho rằng những sản phẩm quân sự của mình đã được sử dụng cho các mục đích hòa bình: "Predator B [tên cũ của Reaper] đã được sử dụng ở Mỹ với nhiều thành quả đáng kể trong việc cứu trợ lũ lụt, cháy rừng và bão”.
Trong bản tường trình này, công ty cũng cho rằng những hình ảnh tiêu cực của máy bay không người lái đã khiến công chúng lo ngại và cản trở việc sử dụng chúng cho các mục đích quân sự và dân sự một cách rộng rãi.
Trước đó, hôm 15/11, các nhà phản đối máy bay không người lái đã tổ chức một hội nghị ở Washington. Hơn 400 đại biểu đến từ nhiều nước, trong đó có các nước thường xuyên vấp phải sự tấn công của máy bay không người lái của Mỹ như: Pakistan, Yemen, Afghanistan đã tham dự. Hội nghị cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ thay đổi chính sách máy bay không người lái, chấm dứt hành vi giết chóc bằng máy bay không người lái.
Sau đó, nhiều người còn đến biểu tình của trụ sở General Atomics ở Poway, Mỹ.
Theo Tổ chức Nhân quyền thế giới (HRW), Mỹ đã thực hiện 80 cuộc tấn công tại Yemen kể từ năm 2009, bao gồm cả tấn công bằng máy bay không người, máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình, giết chết ít nhất 473 người.
Tổ chức Ân xá Quốc tế và HRW đều cho rằng máy bay không người lái của Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế. Còn theo Tổ chức Ân xá, các cuộc tấn công ở Pakistan trong hai năm qua "có thể đã dẫn đến những vụ giết người trái pháp luật” và là tội ác chiến tranh.
Mỹ đã lên tiếng phủ nhận rằng việc dùng máy bay không người lái ở Pakistan và Yemen vi phạm luật pháp quốc tế, và cho rằng những chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền không phản ánh đúng những gì đang thực sự diễn ra.