Nhà ngoại giao Mỹ bị trục xuất vì đùa giỡn với bò
Truyền thông Ấn Độ cho rằng nhà ngoại giao Mỹ xúc phạm đến cuộc sống và văn hóa của đất nước mình, đổ dầu thêm vào mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nước kể từ vụ bê bối của nhà ngoại giao Ấn Độ Devyani Khobragade.
Nhà ngoại giao Ấn Độ Devyani Khobragade trở về nước cùng cha mình sau vụ bê bối ở Mỹ. |
Tờ The Times phiên bản Ấn Độ xác định nhà ngoại giao bị trục xuất là cặp vợ chồng Wayne May, người đứng đầu nhóm nghiên cứu an ninh tại đại sứ quán Mỹ ở New Delhi, và vợ của ông là bà Alicia Muller, nhân viên liên lạc cộng đồng.
Ông May đã bị trục xuất khỏi Ấn Độ để trả đũa cho vụ bắt giữ bà Khobragade tại New York. Bà Khobragade bị truy tố về tội gian lận visa và ngược đãi người giúp việc. Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, bà đã được trả về nước.
Trên trang Facebook của mình, ông May đã miêu tả về cuộc sống thường ngày ở Ấn Độ, nhận định rằng thú cưng của ông được nuôi dưỡng tốt hơn cả những người làm vườn bản địa, cụ thể là chế độ dinh dưỡng của chú chó tốt hơn so với những người làm công.
Còn vợ ông, bà Muller đã bình luận về nạn bạo lực tình dục ở Ấn Độ: “Những người ăn chay cũng hãm hiếp. Nơi này thật kỳ quái”.
Hai vợ chồng nhà ngoại giao người Mỹ cũng đã tiến hành những trò vui đùa với con bò – một biểu tượng tôn giáo ở Ấn Độ. Khi một người bạn của Muller chỉ ra rằng bà đã xúc phạm một vị thần Ấn Độ, bà từng trả lời rằng: “Đây sẽ không phải lần đầu tiên, cũng chưa phải là lần cuối cùng”.
Washington hôm thứ Hai đã liên tục cố gắng phủ nhận các thông tin được đăng tải ở Ấn Độ. “Những ý kiến đó hoàn toàn không phản ánh chính sách của chính phủ Mỹ, cũng không phải họ viết chúng trên bất kỳ tài khoản truyền thông xã hội chính thức nào của chính phủ Mỹ”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Marie Harf nói, “Tôi nhấn mạnh rằng những điều đó không thể nào đại diện cho vị trí của chính phủ Mỹ”.
Mặc dù những bình luận bị chỉ trích nói trên đã được xóa khỏi trang facebook cá nhân của những người liên quan, một số trang web ở Ấn Độ đã chụp lại ảnh màn hình lưu trữ thông tin và tung ra cho giới truyền thông.
Một số nhà phân tích Ấn Độ đã thừa nhận rằng các bình luận trên là "phù phiếm" nhưng lập luận rằng vợ chồng ông May vẫn phải chịu trách nhiệm bởi thân phận ngoại giao của hai người. "Với các vị trí nhạy cảm mà họ nắm giữ tại Đại sứ quán Mỹ, đặc biệt là trong nhận thức của mình, họ không nên có những lời lẽ tấn công đáng ngạc nhiên như vậy", Tờ Times of India cho biết.