Nhà ga 1,3 tỷ USD của sân bay Kuala Lumpur ngập nước
Hãng hàng không AirAsia lo ngại, việc xuất hiện tình trạng đọng nước và nứt vỡ trên đường lăn có thể khiến cho nhiều chuyến bay bị chậm chễ, tác động xấu đến máy bay và gây nhiều rủi ro về an toàn.
Do vậy, mặc dù máy bay vẫn có thể cất cánh và hạ cánh xuống những “bể nước” nhưng AirAsia yêu cầu các nhà chức trách Malaysia nhanh chóng sửa chữa những lỗi trên để tránh gây ảnh hưởng tới các hoạt động của sân bay.
Tình trạng ngập nước tại ga hàng khách dành cho các hãng hàng không giá rẻ KLIA2 của Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia. |
Giám đốc điều hành AirAsia Aireen Omar cho hay: “Hiện tại, sân bay vẫn tiếp tục bị đọng nước. Công ty điều hành sân bay Malaysia Airports Holdings đã tìm cách vá lại những chỗ nứt nhưng sân bay thực sự cần một giải pháp lâu dài hơn”.
Tình trạng xuống cấp đối với ga hành khách mới được xây dựng với kinh phí khổng lồ trên sẽ tiếp tục gây ấn tượng xấu đối với ngành hàng không Malaysia, đặc biệt là sau 2 thảm kịch MH17 và MH370 diễn ra hồi đầu năm 2014.
Được biết, chi phí xây dựng cho ga hàng khách KLIA2 lên tới 4 tỷ ringgit (khoảng 1,3 tỷ USD), tăng vọt so với ước tính ban đầu chỉ khoảng 1,7 tỷ ringgit (446 triệu USD).
Ông Shukor Yusof, sáng lập viên công ty nghiên cứu hàng không Endau Analytics có trụ sở tại Singapore cho hay: "Kể từ sau vụ MH370, cơ sở hạ tầng hàng không của Malaysia bị phát hiện có rất nhiều thiếu sót. Các nhà chức trách vẫn chưa thật sự nỗ lực để giải quyết những thiếu sót đó".
Hãng hàng không giá rẻ Air Asia đang lo ngại trước tình trạng xuống cấp của KLIA2. |
Theo Bloomberg, Bộ Giao thông Vận tải Malaysia cho biết đã thành lập một ủy ban thanh tra độc lập để xem xét tình trạng trên. Bộ cũng yêu cầu Công ty Malaysia Airports phải chịu trách nhiệm tìm ra các giải pháp xử lý thích hợp.
AirAsia ban đầu từ chối sử dụng KLIA2 khi ga này mở cửa hồi tháng 5/2014 vì lo ngại về vấn đề an ninh, nhưng hãng này đã buộc phải chấp nhận sau khi chính phủ cho biết sẽ ngừng các dịch vụ hải quan và nhập cư tại ga hành khách dành cho các hãng hàng không giá rẻ cũ.
Ông Mohsin Aziz, một nhà phân tích hàng không tại Maybank – Tập đoàn tài chính và ngân hàng lớn nhất Malaysia cho biết: "Đến sân bay, bạn có thể tận mắt chứng kiến những vũng nước đọng. Điều đó gây bực mình hơn là gây lo ngại về vấn đề an toàn”.
Ga hành khách KLIA2 được khởi công xây dựng vào năm 2009 sau khi lượng hành khách sử dụng các hãng hàng không giá rẻ tăng mạnh, khiến các ga dành cho các hãng hàng không giá rẻ luôn nằm trong tình trạng quá tải.
Nhà ga hành khách KLIA2 có diện tích sàn 257.000 m2 với 60 cửa đưa đón khách, có thể tiếp đón 45 triệu hành khách/năm.
Trong khi đó, từ năm 1998, các hãng hàng không truyền thông có dịch vụ đầy đủ (full-service), bao gồm cả Malaysia Airlines, đều sử dụng ga KLIA.
Theo Malaysia Airports, tình trạng đọng nước và nứt vỡ trên ở KLIA2 là do nền đất ở sân đỗ và đường lăn khác nhau.
KLIA2 không phải là sân bay châu Á duy nhất đối mặt với sự xuống cấp nhanh chóng.
Sân bay Suvarnabhumi của Bangkok, mở cửa vào năm 2006, cũng xuất hiện nhiều vết nứt ở trên đường lăn và đường băng. Tập đoàn quản lý sân bay Airports of Thailand Pcl đã từng buộc phải đóng cửa một số đường lăn của sân bay để sửa chữa và mở lại ga cũ để tránh tình trạng quá tải.
Nhật Bản cũng đã phải cải tạo lại Sân bay Quốc tế Osaka Kansai sau khi xuất hiện tình trạng đọng nước.
Ông Mark D. Martin, giám đốc của công ty tư vấn hàng không Martin Consulting có trụ sở tại Dubai cho hay: "Đã đến lúc phải có những biện pháp tích cực để nâng cao các tiêu chuẩn (hàng không) ở châu Á”. Ông cho rằng, những sự cố như trên sẽ ảnh hưởng vô cùng xấu đến hoạt động an toàn hàng không.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.