Nguyễn Siêu Hạnh với cách "trả ơn đời" khiến bao người khâm phục
Từng theo học ngành Công nghệ thông tin trường NIIT, Quản trị kinh doanh trường UBI (Bỉ), Nguyễn Siêu Hạnh vào đời không giống với bạn bè đồng lứa khi anh coi công việc thiện nguyện như một lẽ đương nhiên.
Nguyễn Siêu Hạnh trong buổi lễ nhận giải thưởng “Tình nguyện quốc gia năm 2019” |
Từng phải nương nhờ nơi cửa Phật
Gặp Nguyễn Siêu Hạnh tại lễ phát động “Tình nguyện mùa Đông và Xuân Tình nguyện 2020” và trao giải thưởng “Tình nguyện quốc gia năm 2019” do Trung ương Đoàn tổ chức tại Cao Bằng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những việc làm mà chàng trai với vóc dáng bé nhỏ đã và đang giúp đỡ bà con vùng khó khăn.
Ở chàng trai ấy có lẽ chẳng khó khăn nào cản được bước chân, chẳng có món quà nào quý hơn tình người, bởi “lúc sinh ra, gia đình em cơ bản đến mức… không có nhà để ở, thậm chí phải sống nương nhờ nơi cửa chùa”.
Siêu Hạnh làm nhiều chương trình thiện nguyện chăm sóc sức khoẻ cho bà con Tây Nguyên. |
Vì thế trong thẳm sâu của chàng trai trẻ, việc giúp đỡ người khác như cách “trả ơn đời” khi có cơ hội.
Ngay từ lúc ngồi trên ghế giảng đường đại học, Siêu Hạnh đã xung phong làm tình nguyện viên cho một tổ chức bảo vệ trẻ em đường phố ở TP Hồ Chí Minh.
“Khi ấy mình chỉ với ý nghĩ rất đơn giản là khoảng thời gian trống của quãng đời sinh viên thì làm điều gì đó có ý nghĩa, thiết thực với cộng đồng, nhưng sau đó công việc cứ cuốn theo đến sau này nhận ra không dứt bỏ được nên theo luôn”, Siêu Hạnh chia sẻ.
Đến giờ chàng trai ấy luôn thấy mình hạnh phúc với những lựa chọn và chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về những chuyến đi từ thiện.
Khi trái tim chạm đến trái tim
Siêu Hạnh là người sáng lập tổ chức tình nguyện Journey Of Youth (JOY) với sứ mệnh kết nối cộng đồng và tạo ra giá trị bền vững cho xã hội. Bắt đầu nhóm chỉ có 3 người, Siêu Hạnh cùng hai bạn học đại học, qua những CLB tình nguyện khác, những hoạt động thiện nguyện của nhóm Hạnh lan toả, thu hút mọi người cùng tham gia.
Đến nay sau 11 năm hoạt động, tổ chức JOY đã thu hút gần 1.000 tình nguyện viên. Tất cả các tình nguyện viên tham gia dự án phi lợi nhuận, không ai được trả lương.
“Mình không có chiến lược xây dựng thành viên của tổ chức lên số lượng lớn như vậy. Mọi người tự nguyện đến với nhau, những trái tim chạm đến trái tim, đồng cảm và kết nối cùng hoạt động vì cộng đồng”, Siêu Hạnh nhấn mạnh.
Ẩn sâu trong vóc dáng nhỏ bé là nghị lực vượt lên khó khăn và trái tim luôn ấm nồng. |
Chàng trai trẻ say sưa kể về những ngày đầu tiên nhóm hoạt động, khó khăn đầu tiên thường gặp phải là vấn đề kinh phí. “Mình không tạo ra đồng tiền mà chỉ là đi vận động xã hội cho nên rất khó. Nhất là giai đoạn đầu khi người ta không biết mình là ai, không biết mình đến từ đâu… Có đủ lý do để họ chưa tin tưởng bỏ tiền ra cho mình làm những dự án phi lợi nhuận này. Vì thế, nhóm đã đi từ những dự án với số tiền rất nhỏ để tạo dựng niềm tin …”, Siêu Hạnh nói.
Dự án đầu tiên mà Siêu Hạnh nhớ nhất cho đến giây phút này là vào Tết năm 2009. Khi ấy Siêu Hạnh cùng nhóm bạn lên kế hoạch sẽ gói bánh chưng, trao quà Tết cho người nghèo, học sinh tỉnh Tây Ninh.
Cả nhóm loay hoay vận động trong 3 tháng nhưng đến phút chót khi Tết đang đến rất gần mà số tiền huy động chỉ được 8,7 triệu. Trong khi theo dự tính ban đầu, số tiền cần cho các hoạt động gói bánh, tặng quà là 9 triệu. Không mảy may đắn đo, Siêu Hạnh quyết định góp thêm 300.000 đồng (số tiền bằng 1/3 tổng thu nhập làm thêm của Hạnh lúc đó) để làm thiện nguyện.
Minh bạch là chìa khóa thành công
Bên cạnh việc chứng minh cho những người trao niềm tin cho mình làm việc thiện, Siêu Hạnh cùng nhóm đã thực hiện nguyên tắc bất di bất dịch: minh bạch tài chính tối đa có thể.
Siêu Hạnh khẳng định: “Tất cả những khoản thu được từ quyên góp cho dù chỉ là 50.000 đồng nhóm cũng công khai trên website. Sau đó, kết thúc mỗi dự án, công trình mình tiếp tục công khai một lần nữa những khoản chi, chi tiết đến từng cây kim sợi chỉ… Mình làm việc này để chứng minh cho mọi người thấy số tiền dù ít hay nhiều cũng được công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích chứ không che đậy”.
Nước sạch đã được đưa đến cho đồng bào Tây Nguyên. |
Dự án Nước sạch và Y tế cho đồng bào Tây Nguyên của JOY mang theo nhiều tâm huyết của Siêu Hạnh. Theo chia sẻ của Siêu Hạnh, qua khảo sát nhóm nhận thấy cộng đồng người dân tộc thiểu số nơi đây không có cơ hội sử dụng nước sạch. Vì thế, nhóm đã lập kế hoạch vận động từ các doanh nghiệp, các Mạnh Thường Quân, các tình nguyện viên và một phần tiền cá nhân của Hạnh để thực hiện. Chính nhờ cách làm như thế mà uy tín của nhóm không ngừng tăng lên. Nhóm bắt đầu thực hiện những dự án lớn hơn, quy mô của người được thụ hưởng cũng lớn hơn.
“Mỗi công trình chi phí dao động từ khoảng 5-7.000 USD (tương đương 150- 180 triệu đồng). Khi công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng, có thể cung cấp nước sạch cho 2.000 người mỗi ngày. Đến thời điểm này nhóm đã thực hiện được hơn 20 công trình với hơn 41.000 người dân được sử dụng nước sạch đạt chuẩn Châu Âu (uống trực tiếp tại vòi mà không cần đun sôi)”, Siêu Hạnh tự hào nói.
Quyên góp đủ tiền nhóm bắt tay vào thực hiện khoan giếng, đặt máy lọc nước nhập từ nước ngoài về hoàn thiện hệ thống, sau đó bàn giao cho địa phương.
Siêu Hạnh cho biết, dự án này mang đến cho mình và những người tham gia cơ hội được quay về những điều giản dị tốt đẹp trong cuộc sống, những tình cảm chân thành giữa người và người. Năm tới Hạnh sẽ tiếp tục cùng các tình nguyện viên khác thực hiện 2 dự án công trình nước sạch và y tế.
Anh là sinh viên Việt Nam duy nhất đoạt giải thưởng World Summit Youth Award – cho dự án công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; được chọn vào nhóm thủ lĩnh đầu tiên của Quỹ Obama Foundation khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm 200 nhà lãnh đạo mới nổi tiêu biểu từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực.
N. Huyền