Nguyên nhân khiến chiến hạm Pháp nhiều lần xuất hiện ở Biển Đông được hé lộ
Phát biểu tại New Delhi, Tham mưu trưởng hải quân Pháp, Đô đốc Christophe Prazuck nhấn mạnh, “Tôi cho rằng, hải quân Trung Quốckhông hề che giấu tầm hiểu biết toàn cầu cũng như tham vọng toàn cầu của họ”.
Tàu sân bay Liêu Ninh (ở giữa) cùng các chiến hạm Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận. (Ảnh: Reuters) |
“Có nhiều cách hành xử khác nhau ở Biển Đông. Đầu tiên, tại sao chúng tôi lại đến đó từ 6, 7 hoặc 10 lần trong một năm? Chúng tôi tới Biển Đônglà vì luật biển quốc tế ở khu vực đang bị đe dọa. Chúng tôi không muốn can dự vào tình hình khu vực liên quan đến các đảo. Chúng tôi đến đó và sẽ tiếp tục đến bằng hành động của mình nhằm hỗ trợ đảm bảo quyền tự do hàng hải”, nhật báo The Economic Times của Ấn Độ dẫn lời Đô đốc Prazuck phát biểu hôm 18/11.
Liên quan tới Ấn Độ - Thái Bình Dương, Đô đốc Prazuck một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của khu vực này đối với sự phát triển của Pháp.
“Sự hiện diện của hải quân Pháp trong khu vực này ngày càng gia tăng xuất phát từ những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt liên quan tới hoạt động trên biển như đánh bắt trái phép hay những thách thức về trật tự quốc tế trên biển”, ông Prazuck giải thích.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Về phần mình, thời gian gần đây, Pháp đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoài ra, hải quân Pháp còn điều động các chiến hạm vào Biển Đông trung bình 3 – 4 lần/năm. Pháp từng đưa tàu hộ vệ Vendémiaire đi qua eo biển Đài Loan hồi tháng Tư. Trung Quốc đã lớn tiếng phản đối sự hiện diện của tàu Vendémiaire. Song Pháp khẳng định, các tàu thuyền của nước này chỉ thực hiện hoạt động đi lại thường xuyên trong khu vực nhằm đảm bảo các quy định hàng hải quốc tế được thực thi đầy đủ.
Trong phiên điều trần trước Hạ viện Pháp hồi tháng Bảy, Đô đốc Prazuck cũng cho biết, tham vọng của Trung Quốclà mở rộng địa bàn hoạt động tới Ấn Độ Dương. Cũng theo ông Prazuck, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm luật hàng hải quốc tế và các phán quyết của tòa trọng tài.
Bên cạnh đó, Pháp còn có động thái liên minh với Mỹ để thách thức tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Cụ thể, Pháp đã cho nối lại sự kiện Đối thoại An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương với Mỹ. Sự kiện này liên quan tới việc tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp được điều động tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm nay. Ngoài ra, Washington và Paris cũng nhấn mạnh mối quan tâm xây dựng một mạng lưới liên minh và đối tác chiến lược nhằm duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Hồi tháng 10, Đô đốc Prazuck đã đề xuất tiến hành tuần tra chung ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương giữa hải quân Pháp và Australia. Theo Tướng Prazuck, các chiến hạm của Australia có thể tham gia hộ tống tàu sân bay Charles De Gaulle trong quá trình tàu chiến Pháp hoạt động trong khu vực. Đổi lại, các tàu hộ vệ Pháp có thể hộ tống các tàu đổ bộ của Australia. Ngoài ra, Pháp còn muốn tăng cường khả năng tương tác với quân đội Australia trong lĩnh vực chiến tranh chống ngầm và tấn công đổ bộ.