Nguyên nhân gây thận ứ nước, nhiễm trùng, suy thận
Các bác sĩ tiến hành tán sỏi ngoài cơ thể. |
Sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và niệu đạo) là bệnh lý phổ biến, chiếm gần 2/3 tổng số các bệnh lý về tiết niệu. Đây là loại bệnh gây nhiều biến chứng nặng nề như thận ứ nước, nhiễm trùng, ứ mủ, suy thận, thậm chí có thể tử vong và dễ tái phát.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Ân, Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM, theo ước tính tại Việt Nam có hơn 2,5 triệu người bị mắc bệnh sỏi niệu, tương đương 3% dân số, thường gặp ở độ tuổi từ 35-55. Khi mắc phải sỏi tiết niệu, người bệnh sẽ đau đớn và gặp phải những bất tiện trong cuộc sống. Ngoài thận, bất cứ cơ quan nào của hệ tiết niệu (niệu quản, bàng quang, niệu đạo) cũng có thể mắc sỏi.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, khó điều trị. Để phòng bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát, cần bắt đầu từ nguyên nhân gây bệnh, chủ yếu bắt nguồn từ lối sống, thói quen ăn uống và sinh hoạt.
Việc điều trị bệnh về sỏi đường tiết niệu có rất nhiều phương pháp, tùy vào vị trí và kích thước của sỏi. Theo BS Ân, thông thường, với sỏi dưới 5mm nằm ở đài thận, không triệu chứng, không gây bế tắc thì bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa và theo dõi dài hạn.
Nếu sỏi gây tắc, đau hoặc có kích thước lớn mới chỉ định theo dõi ngắn hạn và can thiệp ngoại khoa. Trước đây để can thiệp lấy sỏi thường phải phẫu thuật mổ mở nhưng hiện nay các bác sĩ rất hạn chế phẫu thuật lấy sỏi cho bệnh nhân, thay vào đó là phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể.
Ngoài việc cung cấp các thông tin về triệu chứng của sỏi thận cũng như chế độ dinh dưỡng ngăn ngừa sỏi thận, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã đưa vào hoạt động máy tán sỏi được sản xuất tại Đức (Dornier) theo công nghệ mới nhất Delta II nhằm đem lại cơ hội điều trị sỏi thận tiên tiến nhất cho bệnh nhân