Nguy hiểm tội phạm ngân hàng
Theo một Phó Trưởng Phòng An ninh Tài chính tiền tệ đầu tư, Công an TP. Hà Nội, cho biết tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gia tăng. Trong tổng số các vụ phạm tội thì tội phạm thuộc lĩnh vực ngân hàng chỉ chiếm 0,22% nhưng lại có mức thiệt hại rất lớn chiếm tới 60,2% tổng mức thiệt hại của các vụ án. Như vậy chỉ cần một vụ phạm tội gây thiệt hại trong lĩnh vực ngân hàng bằng hàng nghìn vụ phạm tội bình thường, lẻ tẻ.
Hiện loại tội phạm này được chia làm hai loại, tội phạm bên ngoài ngân hàng và tội phạm bên trong ngân hàng. Loại tội phạm bên trong ngân hàng thường là cán bộ ngân hàng tham ô, nhận hối lộ, vi phạm các quy định cho vay, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản… Biểu hiện là lập chứng từ giả, lấy cắp mật khẩu … để điều chỉnh cân khớp số liệu trong máy tính để lấy tiền, qua mặt cấp trên. Làm sổ tiết kiệm giả, lấy tiền mà không hạch toán vào tài khoản, cố ý làm sai…
Tội phạm bên ngoài như: lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo vay vốn ngân hàng, hối lộ nhằm mục đích rút tiền trong ngân hàng. Hoạt động thường là lập “phương án ma”, giấy tờ, cổ phiếu, hồ sơ giả… để lừa đảo ngân hàng. Tội phạm này, các đối tượng đều nghiên cứu cụ thể ngân hàng, sơ đồ vào ra, bảo vệ, quy luật làm việc, kiểm tiền, tiếp tiền, vị trí các camera lắp đặt trong ngân hàng và tìm thấy thời điểm sơ hở nhất để cướp tiền hiệu quả nhất.
Một vụ cướp xảy ra tại PGD OceanBank Bạch Mai năm 2009. Khoảng 11:30 phút, 2 đối tượng khống chế 01 bảo vệ và nhân viên thu ngân của ngân hàng cướp được hơn 900 triệu. Sau đó cơ quan công an điều tra làm rõ và thấy có sự thông đồng giữa bảo vệ ngân hàng Lê Văn Tiến và tên tội phạm.
Có những vụ cướp táo tợn đã xảy ra vào ngày 22/4/2009, tên cướp lên thẳng tầng 15 vào phòng của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) một ngân hàng. Trước đó, tên cướp đã gọi điện cho Chủ tịch HĐQT nói rằng đã nắm được một chứng cứ về một số hoạt động làm ăn phi pháp của ngân hàng này, muốn trao tài liệu đó với điều kiện chỉ một mình Chủ tịch biết. Do vậy, đối tượng đã lên được ngân hàng trong bộ dạng của một trí thức. Tên cướp đã khống chế vị Chủ tịch này bằng bom và yêu cầu đưa 2 tỷ đồng. Sau thỏa thuận thì đối tượng chịu lấy 500 triệu đồng với điều kiện được ông Chủ tịch dẫn xuống thoát khỏi ngân hàng. Ngay sau đó, công an vào cuộc và truy tìm được thủ phạm là Nguyễn Hoàng Long, sinh năm 1982, quê ở Thanh Hóa, từng đi du học ở Singapore về tài chính ngân hàng.
Theo Phó Trưởng Phòng An ninh Tài chính tiền tệ đầu tư, Công an TP. Hà Nội, trong các vụ cướp đã xảy ra, những tên cướp thường tìm vào lúc ngân hàng có ít nhân viên, sơ hở và tất cả vụ cướp là không có khách hàng giao dịch, không có bảo vệ ở đó. Cơ quan công an cũng thấy rằng, các ngân hàng đều có các thiết bị phòng chống và có tập dượt về phòng chống cướp... nhưng khi cướp xảy ra thì tất cả đều bị vô hiệu hóa và nhân viên không thể phản ứng được hay gọi điện ngay để báo cho công an tham gia ngăn chặn kịp thời. Các camera ở ngân hàng chỉ là hình thức, hoặc đặt ở vị trí khó quan sát ...
Vị cán bộ công an trên đề nghị các ngân hàng cần lắp đặt hệ thống an ninh kết nối với cơ quan công an, bố trí đủ lực lượng bảo vệ đúng vị trí và nghiêm túc… ngân hàng phải chấp hành nghiêm túc quy trình vận chuyển tiền, không mang tiền đi mà không có lực lượng bảo vệ, nếu không sẽ là mồi ngon cho tội phạm tấn công.
Hiện nay, việc các doanh nghiệp (DN) lừa đảo ngân hàng chiếm đoạt tiền cũng không phải hiếm. Thậm chí có những khách hàng VIP của ngân hàng cũng lừa đảo, dạng khách hàng VIP này thì ngân hàng rất “khó đỡ” vì lịch sử tín dụng rất tốt, được ngân hàng tin tưởng cho vay tín chấp. Chẳng hạn, vụ Thái Loan thành lập nhiều công ty ở TP. HCM, Bình Dương, Lâm Đồng, Hậu Giang… để mua bán lòng vòng và xuất hóa đơn khống cho nhau, nhằm hợp thức hóa đầu vào và lập hợp đồng xuất khẩu khống là 5.100 tấn cà phê, thực chất chỉ có 500 tấn và ký hợp đồng lưu kho với một bên thứ 3.
Bà Loan chỉ đạo sắp xếp các bao cà phê thật phía ngoài, còn bên trong toàn bao cà phê giả đầy ắp. Khi cán bộ ngân hàng đến thẩm định thấy yên tâm. Như vậy, 5.100 tấn cà phê khống này đã đem thế chấp tại 05 ngân hàng để vay 400 tỷ đồng.
Hay vụ công ty TNHH Minh Nhật và công ty TNHH Nhật Tân đã lập 98 hợp đồng xuất khẩu cà phê khống với 4 DN Trung Quốc và dùng hồ sơ này vay 1.835 tỷ đồng của ngân hàng Phát triển (VDB) Đắk Nông. Thực tế hai công ty này chỉ mua 1.500 tấn cà phê trị giá 35 tỷ đồng. Đối tượng này làm giả hồ sơ xuất khẩu tinh vi để đánh lừa cán bộ ngân hàng.
Ông Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, cho rằng những vấn đề phạm pháp liên quan đến luật pháp tương đối nhức nhối. Cách đây khoảng 10 năm những vụ như Epco - Minh Phụng tưởng là ghê gớm nhưng nay còn nhiều vụ còn tinh vi hơn, những tội mà cán bộ ngân hàng dính vào thì tội tham ô nhiều nhất. Rất nhiều vụ dính đến cả giao dịch viên, kế toán, giám đốc... do sai nguyên tắc, chủ quan, không hiểu biết pháp luật… đặc biệt môi trường pháp luật Việt Nam chưa chặt chẽ đã tạo nhiều kẽ hở để kẻ gian lợi dụng. Tiền giả, hóa đơn giả, sổ đỏ giả, kể cả bảo lãnh giả - đây là điều đáng buồn nhất, vì khách hàng giờ không còn tin bảo lãnh của ngân hàng.
Để phòng tránh rủi ro, đối với dịch vụ phải có quy trình quy tắc chặt chẽ, nếu thấy nghi ngờ ngân hàng nên đề nghị khách hàng “lăn tay” cho chắc ăn. Đối với tín dụng phải tuân thủ những quy định của pháp luật, chỉ xuất tiền ra khi có vòng chế tài an toàn, chẳng hạn tài sản đảm bảo phải đầy đủ tính pháp lý, cao hơn nữa là mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo... Đối với ngành kinh doanh rủi ro như ngân hàng thì an toàn là số một.
Một điều nữa, cán bộ công an trên cho biết, nhiều ngân hàng nước ngoài phối hợp với cơ quan công an rất tốt trong việc phá án nhanh, hiệu quả. Có khi vụ việc xảy ra tại một ngân hàng nước ngoài ở trong TP. HCM nhưng họ đã rất nhanh chóng báo cho công an tận ngoài Hà Nội để kịp thời xử lý, như vậy sẽ giảm thiệt hại cho ngân hàng và ngăn chặn những vụ cướp về sau.